06:00 12/09/2013

Lợi nhuận tăng nhưng cổ phiếu vẫn bị “chê”

Huy Hải

Mặc dù có kết quả kinh doanh khả quan song giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành xuất bản trên sàn hiện khá lẹt đẹt

Trong mắt các nhà đầu tư, cổ phiếu các công ty ngành xuất bản, 
giáo dục chưa thực sự hấp dẫn, mặc dù giá giao dịch hiện chỉ quanh mức 
10.000 đồng.
Trong mắt các nhà đầu tư, cổ phiếu các công ty ngành xuất bản, giáo dục chưa thực sự hấp dẫn, mặc dù giá giao dịch hiện chỉ quanh mức 10.000 đồng.
Mặc dù có kết quả kinh doanh khả quan song giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành xuất bản trên sàn niêm yết hiện khá lẹt đẹt. Trong mắt các nhà đầu tư, cổ phiếu các công ty ngành xuất bản, giáo dục chưa thực sự hấp dẫn, mặc dù giá giao dịch hiện chỉ quanh mức 10.000 đồng.

Hiện trên thị trường chứng khoán có 24 công ty niêm yết thuộc lĩnh vực xuất bản, và kinh doanh văn hóa phẩm. Đa phần các doanh nghiệp này cung cấp các ấn phẩm và thiết bị phục vụ giáo dục.

Do vậy mà hầu hết các công ty đều là công ty con hoặc có cổ đông lớn là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Quy mô các công ty niêm yết ngành xuất bản chỉ ở mức nhỏ, vốn hóa hầu hết dưới 100 tỉ đồng.

Lợi nhuận tăng so với 2012

Tổng lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết ngành xuất bản chỉ ở mức khiêm tốn 98,6 tỉ đồng, tăng gần 40% so với sáu tháng đầu 2012. Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn, đây là những con số mơ ước của không ít doanh nghiệp các ngành khác.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (mã EID-HNX) đạt mức lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm là 22,3 tỉ đồng, cao nhất trong các doanh nghiệp niêm yết ngành xuất bản. Mức lãi ròng này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 38%.

Tiếp theo có Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (mã SED-HNX) và Công ty Cổ phần Bao bì và In nông nghiệp (mã INN-HNX) lần lượt báo cáo lãi ròng 18,8 tỉ đồng và 17,4 tỉ đồng, tăng 25% (SED) và 125% (INN) so với sáu tháng đầu 2012.

Trừ ba doanh nghiệp trên, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết ngành xuất bản không thực sự ấn tượng. Mười một công ty lãi sáu tháng đầu 2013 dưới 10 tỉ đồng, bảy công ty lãi chưa tới 1 tỉ đồng.

In Diên Hồng (mã DHI-HNX) lỗ tới quý thứ 4 liên tiếp, lãnh đạo công ty cũng đã lên kế hoạch giải thể trong kỳ đại hội cổ đông thường niên 2013. Với khoản lỗ 1,5 tỉ sau sáu tháng đầu năm nay, tổng lỗ lũy kế của In Diên Hồng lên tới 8,5 tỉ đồng, chiếm 1/3 vốn điều lệ.

Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Nam Định (mã: DST-HNX) tuy báo lãi quý 2 vừa rồi, nhưng khoản lãi 56 triệu đồng không đủ bù cho khoản lỗ hơn 300 triệu trong quý 1. Kết thúc nửa đầu 2013, công ty này lỗ 261 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Hà Tĩnh (mã HBE-HNX) cũng trong tình trạng kinh doanh yếu kém tương tự với khoản lỗ trên 300 triệu đồng sau sáu tháng đầu năm.

Khó khăn ngành xuất bản

Khó khăn chung của các doanh nghiệp ngành xuất bản giáo dục là hoạt động kinh doanh còn mang tính chất thời vụ khá cao. Ngoài sách tham khảo, nghiên cứu, thì đa phần nội dung các ấn phẩm chỉ được tiêu thụ mạnh vào thời điểm trước năm học. Rủi ro đặc thù của ngành xuất bản cũng nằm ở chính điểm này.

Với việc sách giáo khoa hàng năm được bổ sung, sửa đổi và cập nhật nội dung, lượng hàng tồn kho của những ấn phẩm này sẽ rất khó có thể được tiêu thụ tiếp.

Tương tự, các thiết bị giáo dục cũng luôn cần được cập nhật và đa dạng hóa trong khi nhu cầu tới từ một số đối tượng rất hạn chế, chủ yếu là các đơn vị thuộc ngành giáo dục của địa phương.

Những khó khăn này làm tăng lượng hàng tồn kho, ảnh hưởng xấu tới khả năng quay vòng vốn của doanh nghiệp. Không những thế, nạn in và lưu hành sách lậu vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản từ hàng chục năm nay.

Một khó khăn đặc thù với các doanh nghiệp niêm yết ngành xuất bản giáo dục là sau khi cổ phần hóa, các công ty sẽ mất độc quyền cung cấp sách giáo khoa tại địa phương sau một thời gian nhất định. Sự đa dạng của các ấn phẩm không cao, chịu ảnh hưởng nặng nề về chính sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam làm giảm tính cạnh tranh của những doanh nghiệp này không ít.

Bên cạnh đó, yếu tố đầu vào của ngành chịu ảnh hưởng của giá cả thị trường thế giới như bột giấy, giấy in bìa do trong nước chưa sản xuất được. Biến động tiêu cực của giá nhiên liệu và giá ngoại tệ càng đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xuất bản vào hoàn cảnh khó khăn hơn.

Cổ phiếu các công ty ngành xuất bản, giáo dục hiện không thực sự hấp dẫn nhà đầu tư mặc dù thị giá chỉ nằm quanh mức mệnh giá. Các doanh nghiệp ngành xuất bản cần đa dạng hóa hơn các sản phẩm.

Ngoài sách giáo khoa, những ấn phẩm giáo dục phục vụ mục đích tham khảo, bồi dưỡng kiến thức và tự học là những sản phẩm có tiềm năng tiêu thụ tốt và hướng tới nhiều đối tượng có nhu cầu hơn.

Việc đa dạng hóa các thiết bị giáo dục, dụng cụ học tập và hướng tới thị trường bán lẻ sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn doanh thu đa dạng hơn.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)