Luật Giá sửa đổi quản hoạt động thẩm định giá như thế nào?
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thẩm định viên về giá, siết chặt điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp, nhằm tạo hàng rào kỹ thuật ngăn tiêu cực từ một lĩnh vực tương đối nhạy cảm...
Thông tin về một số điểm mới về dịch vụ thẩm định giá tại dự thảo Luật Giá sửa đổi, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết trong dự án Luật giá sửa đổi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 năm 2023 đã được ban soạn thảo hoàn thiện những bất cập theo hướng củng cố, tăng cường tiêu chuẩn, điều kiện của thẩm định viên về giá, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của thẩm định viên trong hoạt động thẩm định giá.
Đồng thời, xử lý các chồng chéo, vướng mắc trong quản lý thẩm định viên về giá; bổ sung, hoàn thiện các quy định về giám sát, quản trị doanh nghiệp, nhất là đối với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ?
Dự thảo Luật Giá sửa đổi về cơ bản kế thừa quy định hiện hành, có sửa đổi, bổ sung, kết cấu lại cho phù hợp với tính chất của hoạt động thẩm định giá. Theo đó, tại nội dung về giải thích từ ngữ đã quy định: "Thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị bằng tiền của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam".
Dự thảo luật cơ bản kế thừa các quy định hiện hành và củng cố theo hướng chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản.
Theo đó, thẻ thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa theo hai lĩnh vực gồm: (i) thẩm định giá tài sản gồm bất động sản, động sản và các hàng hóa, dịch vụ thông thường; (ii) thẩm định giá doanh nghiệp: doanh nghiệp, tài sản tài chính...
"Điều này góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên môn sâu, cũng như tiết kiệm nguồn lực xã hội trong học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, thi cấp thẻ thẩm định viên về giá", đại diện Cục Quản lý giá nhìn nhận.
Cũng theo quy định của luật hiện hành, thẩm định viên về giá không được hành nghề với tư cách cá nhân; người có thẻ thẩm định viên về giá khi có nhu cầu hành nghề thẩm định giá phải gắn với hoạt động của doanh nghiệp.
Do đó, trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, luật sửa đổi đã quy định rõ hơn việc đăng ký hành nghề với Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp thẩm định giá để được công nhận là thẩm định viên về giá.
Trên cơ sở đó cũng khắc phục được hạn chế tại luật hiện hành là không quy định cách thức xác nhận một người được coi là thẩm định viên về giá nên chưa bảo đảm tính chặt chẽ, có thể gây nhầm lẫn khi coi người có thẻ thẩm định viên về giá đồng thời là thẩm định viên về giá.
Do vậy, tại dự thảo luật quy định thẩm định viên về giá phải là những người có thẻ thẩm định viên và đang hành nghề thẩm định giá tại các doanh nghiệp thẩm định giá.
"Điều kiện để đăng ký hành nghề phải là người có thẻ thẩm định viên và có kinh nghiệm 36 tháng làm việc thực tế tại doanh nghiệp thẩm định giá để nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá", Cục Quản lý giá nhấn mạnh.
SIẾT QUY ĐỊNH, TĂNG CƯỜNG TÍNH RĂN ĐE
Nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với các thẩm định viên về giá, theo đại diện Cục Quản lý giá, dự án Luật Giá sửa đổi cũng quy định về những điều cấm đối với thẩm định viên về giá, quy định một số trường hợp xử lý đối với thẩm định viên về giá khi vi phạm pháp luật về thẩm định giá như: tước thẻ, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.
Qua đó, tăng cường tính răn đe đối với thẩm định viên, góp phần yêu cầu các thẩm định viên không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Đồng thời, dự thảo luật yêu cầu các công ty tăng cường về số lượng thẩm định viên tại doanh nghiệp thẩm định giá.
"Trước đây, mỗi doanh nghiệp thẩm định giá chỉ cần có từ 3 thẻ thẩm định viên thì nay phải có từ 5 thẻ thẩm định viên trở lên. Tại mỗi chi nhánh phải có ít nhất 3 thẻ thẩm định viên về giá độc lập với doanh nghiệp và các chi nhánh khác thay vì quy định trước đây chỉ cần 2 thẻ thẩm định viên về giá", đại diện Cục Quản lý giá thông tin.
Cùng với đó, các doanh nghiệp có trách nhiệm mua bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp hoặc trích lập quỹ dự phòng.
"Đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần thì bổ sung quy định tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn, cổ đông là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Quy định này nhằm đảm bảo quyền chi phối của thẩm định viên đối với hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá", đại diện Cục Quản lý giá cho biết.
Trên cơ sở luật hóa quy định tại nghị định, dự thảo luật cũng bổ sung một điều về người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá để nâng cao tính pháp lý; đồng thời, tiếp tục khẳng định giá trị pháp lý của các quy định này trong thực tiễn quản lý hoạt động thẩm định giá.
Ngoài ra, dự thảo luật củng cố quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có biến động về thẩm định viên về giá ảnh hưởng đến điều kiện hoạt động.
Dự thảo luật cũng đã củng cố và làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ mà nhất là nghĩa vụ của thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
Về giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá về kết quả thẩm định giá.
Theo quy định thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng được thực hiện thông qua hợp đồng thẩm định giá và là hợp đồng dân sự.
Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua các cơ chế sau: (i) thương lượng, hòa giải trên cơ sở những cam kết đã ghi trong hợp đồng thẩm định giá; (ii) giải quyết bằng trọng tài thương mại; (iii) khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
Để tạo điều kiện cho các bên và làm rõ cơ chế giải quyết tranh chấp, tại dự thảo luật quy định một điều để dẫn chiếu các quy định hiện hành để thực hiện khi có phát sinh.