Lương hưu sẽ tăng thêm bao nhiêu trong năm 2024?
Cùng với thực hiện cải cách chính sách tiền lương, ngành Lao động sẽ cố gắng tham mưu để mức lương hưu tăng tối thiểu đạt 15%…
Liên quan đến vấn đề cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách.
Theo đó, ngành Lao động sẽ cố gắng tham mưu để mức lương hưu sẽ tăng tối thiểu đạt 15%, so với mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5%.
Trước đó, tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị từ ngày 1/7/2024, cùng với thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, sẽ đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Tuy nhiên, để xác định lương hưu năm 2024 tăng bao nhiêu phần trăm còn chờ có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi thực hiện cải cách tiền lương, đối tượng người có công trước năm 1995 cũng sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm những đối tượng này không bị thiệt thòi. “Sau cải cách tiền lương, người có công sẽ hưởng mức cao hơn bình quân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Ngoài tham mưu về vấn đề điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu trong năm nay cũng như thời gian tới, toàn ngành cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thị trường lao động, khắc phục những vấn đề khó khăn, tồn tại, quan tâm hơn nữa tới các khu công nghiệp, khu chế xuất hay những lĩnh vực, ngành nghề mới.
Đặc biệt, một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành trong năm 2024 là đảm bảo việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi được thông qua phải thông thoáng, có hiệu quả cao nhất. Đồng thời, chuẩn bị tối đa các điều kiện hướng tới thực hiện Luật Việc làm (sửa đổi).
Cũng trong năm 2024, toàn ngành cần phấn đấu tham mưu để nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng, tối thiểu mức chuẩn bằng 50% hộ nghèo nông thôn.
Đối với công tác chăm lo an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, các chế độ, công tác chăm lo cho người lao động cơ bản được đảm bảo.
Trong công tác chăm lo Tết cho đối tượng yếu thế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham mưu sớm để có thể mời lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm, tặng quà ở các địa phương. Trẻ em tật nguyền, mồ côi, người già, người neo đơn tại các cơ sở bảo trợ được chăm lo chu đáo, không còn hiện tượng lang thang trong dịp Tết. Các chính sách đối với người có công được triển khai kịp thời, đầy đủ, đảm bảo đến tận tay người có công.
Cũng theo báo cáo về công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong dịp Tết, các cấp công đoàn đã hỗ trợ cho gần 7,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với hơn 4.200 tỷ đồng.
Tại các địa phương, các cấp công đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho đoàn viên công đoàn, người lao động, nhằm đảm bảo cho mọi người đón Tết vui tươi, đầm ấm bên gia đình và người thân.
Một số doanh nghiệp đã có các hình thức hỗ trợ cụ thể, thiết thực để công nhân về quê ăn Tết an toàn, vui vẻ như tặng quà, tặng tiền mặt, phiếu mua hàng, vé tàu xe, bố trí xe đưa đón về quê, hỗ trợ miễn phí bảo dưỡng xe máy trước khi công nhân đi về quê…