09:03 28/07/2010

Lương tối thiểu vùng: Địa phương đề xuất, doanh nghiệp khó?

Vũ Quỳnh

Mức lương tối thiểu vùng giữa các địa phương chênh lệch quá lớn sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp

Nếu lương tối thiểu vùng thấp thì doanh nghiệp sẽ khó thu hút lao động - Ảnh: Việt Tuấn.
Nếu lương tối thiểu vùng thấp thì doanh nghiệp sẽ khó thu hút lao động - Ảnh: Việt Tuấn.
Xung quanh yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc các địa phương có thể đề xuất vùng thực hiện lương tối thiểu và phân chia các vùng ngay tại địa phương mình, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó có sự đồng thuận từ các doanh nghiệp.

Bởi, theo đại diện một số doanh nghiệp, nếu lương tối thiểu vùng thấp doanh nghiệp sẽ khó thu hút lao động, trong khi đó, nếu cao hơn các địa phương khác, doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc khi chọn địa bàn đầu tư.

Trên thực tế, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã từng “kêu” rất nhiều về việc họ gần Tp.HCM, rất khan hiếm lao động nhưng lương tối thiểu họ được áp dụng lại thấp hơn nên gặp nhiều khó khăn trong thu hút lao động.

Tương tự, ở Hà Nội, do sáp nhập với Hà Tây, một số huyện thuộc tỉnh Hoà Bình, Vĩnh Phúc về nên hiện tại đang có tới ba mức lương tối thiểu vùng. Vì thế mới có chuyện người lao động ở huyện Chương Mỹ và Mê Linh đã  “so sánh” khi mức lương tối thiểu của họ được hưởng là thuộc vùng 3, thấp hơn mức tiền công mà các doanh nghiệp thuộc địa bàn lân cận như Đông Anh, Sơn Tây… đã trả cho người lao động.

Ngược lại, những doanh nghiệp “ngân sách” ít, làm ăn khó khăn, phải cân nhắc nhiều đến chuyện trả lương cho công nhân thì họ sẽ chọn địa bàn có vùng lương tối thiểu thấp hơn để đầu tư.

Huyện Bình Chánh của Tp.HCM và huyện Bến Lức tỉnh Long An chỉ cách nhau một cây cầu nhưng người lao động ở hai khu vực này đang có mức lương tối thiểu khác nhau. Nếu làm ở huyện Bình Chánh, người lao động sẽ được hưởng mức lương tối thiểu của vùng 2 đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,190 triệu đồng/tháng và 880.000 đồng/tháng với doanh nghiệp trong nước.

Nhưng, nếu làm ở huyện Bến Lức thì mức lương tối thiểu của người lao động thấp hơn vì được phân theo vùng 3 là 1,040 triệu đồng/tháng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 810.000 đồng/tháng với doanh nghiệp trong nước.

Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương, đứng từ vị trí của các chủ đầu tư, sự khác nhau giữa hai mức lương tối thiểu vùng này cũng sẽ là một trong những căn cứ để họ quyết định đặt nhà máy ở huyện Bình Chánh hay Bến Lức. Nếu đầu tư vào Bến Lức, Long An họ sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn trong việc trả lương, áp lực đối với doanh nghiệp cũng sẽ ít hơn.

“Rõ ràng nếu hai địa phương ở cạnh nhau thì mức lương tối thiểu vùng phải tương đương chứ không thể có sự chênh lệch quá lớn được. Nếu mức lương tối thiểu vùng giữa các địa phương quá lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Địa phương nào đề xuất từ vùng lương tối thiểu thấp lên vùng có mức lương cao, tức là lương tối thiểu sẽ tăng hai lần, vừa tăng theo tỷ lệ chung và tăng thêm một lần đổi vùng. Làm như vậy chắc chắn sẽ có phản ứng từ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.”, bà Minh khẳng định.

Tuy nhiên, cũng theo bà Minh, năm nào cũng vậy, trước khi đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu,  cơ quan này đều yêu cầu các địa phương phải lấy ý kiến đại diện của các bên liên quan.

Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong các nghị định, thông tư, thông báo… đều đã có nhiều quy định khá chặt chẽ trong việc “phân quyền” cho địa phương được đề xuất mức lương tối thiểu vùng cho mình.

Cụ thể, địa phương nào, thành phố nào cũng sẽ có những số liệu cụ thể về thu nhập bình quân theo đầu người, chỉ số giá sinh hoạt, nhu cầu thu hút đầu tư, cân đối nhu cầu lao động… Căn cứ vào đó và mặt bằng tiền lương thực tế trên thị trường các địa phương có thể đề xuất được.

Ngoài ra, để thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra một số nguyên tắc nhất định để tránh trường hợp những địa phương tự đề xuất lên vùng cao hơn “đột biến”.