10:41 27/04/2022

LVMH, Fendi khởi đầu một chương mới với lông thú từ phòng thí nghiệm

Minh Nguyệt

Tập đoàn xa xỉ này là một trong những thương hiệu xa xỉ cuối cùng còn sử dụng lông thú thật. Giờ đây, một quan hệ đối tác mới sẽ mang tới khả năng phát triển một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường...

Thời trang đang có xu hướng nói “không” với lông thú tự nhiên và với cả những lựa chọn thay thế mà được làm từ nhựa, không xa xỉ hay không tốt cho môi trường. Hiện tại, tập đoàn LVMH đang cố gắng tạo ra một lựa chọn mới, bền vững hơn bằng cách sử dụng keratin – một loại protein chính có trong tóc - làm điểm khởi đầu.

Chia sẻ với Vogue Business, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới cho biết đang hợp tác với Đại học Imperial College London và Đại học Nghệ thuật Central Saint Martins để phát triển sợi lông thú trong phòng thí nghiệm dùng cho thời trang cao cấp. Fendi, thương hiệu Ý được biết đến với việc sử dụng lông thú nhiều nhất trong số các thương hiệu LVMH, sẽ dẫn đầu công cuộc nghiên cứu này. Phó giám đốc phát triển của tập đoàn, ông Alexandre Capelli cho biết, mục tiêu của họ là tạo ra một loại lông thú thay thế có chất lượng như lông thú tự nhiên mà không gây ảnh hưởng tới môi trường.

Ông Capelli nói: “Mục tiêu cuối cùng của LVMH là tạo ra những vật liệu sáng tạo thay thế nhưng không có thành phần nhựa. Ngay cả khi chất lượng của lông thú giả đã được cải thiện trong những năm gần đây, nó vẫn chưa đạt tới mức cao cấp và đẹp mắt như lông thú tự nhiên. Chúng tôi nghĩ rằng với sự đổi mới này, chúng tôi sẽ có thể đạt được mức chất lượng này – lông thú nhân tạo nhưng nhìn như thật”.

Mục tiêu của LVMH là tạo ra một loại lông thú thay thế có chất lượng như lông thú tự nhiên mà không gây ảnh hưởng tới môi trường.
Mục tiêu của LVMH là tạo ra một loại lông thú thay thế có chất lượng như lông thú tự nhiên mà không gây ảnh hưởng tới môi trường.

LVMH là một trong số ít các công ty thời trang xa xỉ chưa đưa ra tuyên bố rời xa đồ lông thú, ngay cả khi các đối thủ bao gồm cả Kering, chủ sở hữu của Gucci đã khá kiên quyết. Quá trình nghiên cứu của LVMH cũng không phải nhằm thay thế tất cả lông thú tự nhiên ngay lập tức, nhóm và các đối tác của họ nhìn thấy việc sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra lông thú nhân tạo tạo ra một triển vọng lạc quan về chất lượng và phạm vi ứng dụng không chỉ trong ngành công nghiệp thời trang.

Như với tất cả các đổi mới mang mục đích bền vững - cho dù đó là vật liệu thế hệ mới hay mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn như thị trường bán lại đồ đã qua sử dụng – thì các sáng kiến chỉ có thể cải thiện danh tiếng cho thương hiệu khi đủ sức thay thế cho mọi vấn đề ban đầu. Hiện xu hướng thực vật hóa các sản phẩm có nguồn gốc động vật đang bùng nổ trong ngành thời trang và thực phẩm.

Hermès đã hợp tác với Mycoworks, để tạo ra một loai da từ sợi nấm, trong khi Stella McCartney đã thiết kế hàng may mặc với Mylo – chất liệu thay thế da của Bolt Threads. Công ty mẹ của Tommy Hilfiger là PVH và nhà bán lẻ Đan Mạch Bestseller đã có một hợp tác thời trang với công ty công nghệ sợi nấm Ecovative. Đồng thời, số lượng các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ từ bỏ lông thú hoặc cam kết làm như vậy đã tăng nhanh chóng, với các tuyên bố gần đây từ Mytheresa, Oscar de la Renta, Burberry, Neiman Marcus, Coach, Miu Miu và Canada Goose... Năm ngoái, tập đoàn sang trọng Kering cũng đã cam kết loại bỏ lông thú thật tại tất cả các thương hiệu.

Dự án mới mong muốn tạo ra một loại thông thú nhân tạo bền vững hơn bằng cách sử dụng keratin – một loại protein chính có trong tóc.
Dự án mới mong muốn tạo ra một loại thông thú nhân tạo bền vững hơn bằng cách sử dụng keratin – một loại protein chính có trong tóc.

Hành trình phía trước là một chặng đường dài, với các kết quả ban đầu dự kiến ​​sẽ có trong hai năm tới. Tuy nhiên, các đối tác đều tỏ ra tin tưởng, vì sự khao khát ngày càng tăng đối với các vật liệu bền vững và có đạo đức, cộng với những tiến bộ trong kỹ thuật sinh học nói chung và cả đội ngũ chuyên môn mà họ hiện có, bao gồm Tom Ellis, một nhà sinh học tổng hợp, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu tại đại học Imperial, và là người đã làm việc trong các dự án với nhiều ngành từ dược phẩm đến công nghệ sinh học.

Hiện tại, LVMH chưa có kế hoạch ngừng hoàn toàn việc sử dụng lông động vật, mặc dù tập đoàn nhận thấy rằng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thay thế lông động vật đang tăng lên. Stella McCartney, được LVMH mua lại vào năm 2019, đã thử nghiệm với loại lông thú giả một phần dựa trên sinh học, nhưng một phần vẫn có thành phần chứa nhựa. Nếu loại lông thú làm từ keratin của LVMH thành công, giới thời trang đang tự hỏi liệu tập đoàn sẽ dùng nó để thay thế cho lông thú tự nhiên hay sẽ tung ra các dòng sản phẩm mới để làm nổi bật chất liệu sinh học giống như lông tóc thật này.

Được biết, keratin sẽ được nuôi trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu sử dụng men để giúp nó phát triển như cái cách mà một sợi tóc mọc dài ra. Việc cho men ăn này cũng giúp bảo vệ môi trường khi nhóm nghiên cứu dự định sử dụng một số chất thải từ ngành rượu vang. LVMH cho biết: “Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng trình tự DNA để hướng dẫn các tế bào sản xuất protein keratin và nấm men có thể tạo ra các protein keratin trong một quá trình tương tự như sản xuất bia và bản thân các protein sau đó có thể được tái sử dụng thành sợi cho hàng dệt may”.

Thương hiệu Ý Fendi được biết đến với việc sử dụng lông thú nhiều nhất trong số các thương hiệu của LVMH.
Thương hiệu Ý Fendi được biết đến với việc sử dụng lông thú nhiều nhất trong số các thương hiệu của LVMH.

Hiện tại, khả năng mở rộng quy mô được đặt dấu hỏi lớn nhất. “Để tạo ra một loại lông nhân tạo giống như lông thú nguyên mẫu là một chuyện. Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu muốn nâng cao số lượng, đó chính là thách thức,” ông Capelli nói thêm, bởi vì đây là một loại hình sản xuất hoàn toàn khác với cách tạo ra sợi vải thông thường. Ông Capelli cho biết LVMH đang tham gia vào dự án ở cấp độ tập đoàn, và trọng tâm ban đầu sẽ các loại lông giả lông chồn, với hy vọng rằng đến cuối cùng họ có thể tạo ra bất kỳ loại lông giả nào hoặc thậm chí là một loại len từ các sợ lông nhân tạo này.

Thật hiếm khi một công ty thời trang lớn công bố những dự án như thế này ở giai đoạn đầu, nhưng LVMH nhận ra bối cảnh chung của ngành thời trang và suy nghĩ của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng. “Việc giới thiệu dự án sớm là để mọi người được biết chúng tôi cam kết sẽ phát triển những vật liệu thay thế như thế này. Các khách hàng thuộc thế hệ trẻ của LVMH cần hiểu rằng không chỉ sáng tạo trên sàn diễn, chúng tôi còn làm việc cật lực trong phòng thí nghiệm để bảo vệ tương lai của chính họ”.