Mặc nguy cơ suy thoái, châu Âu tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm và mạnh hơn dự báo
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/7 tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 11 năm, trong nỗ lực khống chế “ngọn lửa” lạm phát đang bùng lên kỷ lục ở khu vực Eurozone.
Theo tin từ CNBC, ECB - ngân hàng trung ương của 19 quốc gia sử dụng sử dụng đồng tiền chung Euro - gây bất ngờ khi nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Với động thái này, lãi suất tiền gửi đồng Euro trở lại ngưỡng 0, từ chỗ duy trì ở trạng thái âm trong thời gian kéo dài. Trước đó, thị trường nghiêng về khả năng ECB tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm.
“Hội đồng Thống đốc đánh giá rằng sẽ là phù hợp nếu động thái đầu tiên của tiến trình bình thường hoá lãi suất chính sách là tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn so với tín hiệu được phát đi trong cuộc họp trước”, ECB nói trong một tuyên bố.
ECB - định chế đặt trụ sở ở Frankfurt, Đức - đã duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục, trong trạng thái âm, suốt từ năm 2014, trong bối cảnh Eurozone ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công khu vực và đại dịch Covivd-19.
Đồng Euro tăng giá sau khi giới phân tích cho rằng ECB có thể mạnh tay tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian tới, đạt mức cao của phiên là 1,0257 USD đổi 1 Euro. Gần đây, Euro có lúc giảm giá còn 0,98 USD đổi 1 Euro.
Tuyên bố của ECB cũng nói rằng động thái tăng lãi suất này “sẽ hỗ trợ cho việc kéo lạm phát về mục tiêu trung hạn của Hội đồng Thống đốc, thông qua tăng cường neo giữ các kỳ vọng lạm phát và đảm bảo rằng các điều kiện nhu cầu sẽ điều chỉnh để mang lại mức lạm phát như mục tiêu trong trung hạn”. Mục tiêu lạm phát mà ECB đề ra là 2%.
Cao uỷ viên phụ trách vấn đề kinh tế của châu Âu, ông Paolo Gentiloni, nói rằng nếu bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn, nền kinh tế khu vực sẽ suy thoái ngay trong năm nay. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đó không phải là kịch bản chính của EU.
Trước đây, ECB đã phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9 nếu giá tiêu dùng tiếp tục leo thang, nhưng nói rõ có đưa lãi suất về 0 ngay trong lần tăng đầu tiên hay không. Sau đợt nâng này, lãi suất tiền gửi tại ECB hiện là 0%; lãi suất chính của nghiệp vụ tái cấp vốn là 0,5%; và lãi suất của chương trình cho vay trung hạn (MLF) là 0,75%.
Phát biểu trước khi công bố quyết định tăng lãi suất, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã đề cập đến lý do phải tăng lãi suất mạnh hơn bước nhảy 0,25 điểm phần trăm: “Lạm phát tiêu tục tăng lên mức quá cao và được dự báo sẽ còn vượt xa mục tiêu của chúng ta trong một thời gian nữa. Dữ liệu mới nhất cho thấy sự giảm tốc tăng trưởng, che mờ triển vọng kinh tế của nửa sau năm 2022 và xa hơn thế”.
Chiến lược gia trưởng Seema Shah của Principal Global Investors nhận định rằng chắc chắn là ECB không phải thắt chặt chính sách vì tăng trưởng kinh tế mạnh. “Việc họ tăng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc nhiều, đặt ra nguy cơ ‘stagflation’ (lạm phát cao kết hợp tăng trưởng trì trệ) vượt khỏi tầm kiểm soát… Hiện nay, không một ngân hàng trung ương của nền kinh tế phát triển nào lại rơi vào một vị thế bất lợi như ECB”, ông Shah nói.
Chuyên gia Carsten Brzeski, trưởng bộ phận chiến lược của ING Germany, phát biểu: “Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2011, và họ đã tăng mạnh. Việc tăng ngay lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm và đưa ra những tín hiệu mềm mỏng hơn cho thấy ECB nghĩ rằng cửa sổ cho một loạt đợt tăng lãi suất đang đóng lại một cách nhanh chóng”.
Số liệu công bố mới đây cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của khu vực Eurozone tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức tăng kỷ lục. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi về khả năng ECB có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới, vì nền kinh tế có khả năng rơi vào suy thoái trong năm nay.
Hồi tháng 6, ECB dự báo mức lạm phát cả năm nay là 6,8% và năm tới là 3,5%. Về tăng trưởng, ECB dự báo tốc độ tăng GDP 2,1% mỗi năm cho cả năm nay và năm tới.
Bấp bênh lớn nhất đối với kinh tế châu Âu thời gian tới là liệu Nga có cắt khí đốt hay không. Ngày 21/7, châu Âu đã “thở phào” khi Nga nối lại dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 sau 10 ngày bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, trong tương lai, nguy cơ khu vực bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn có thể xuất hiện trở lại.
Cao uỷ viên phụ trách vấn đề kinh tế của châu Âu, ông Paolo Gentiloni, nói rằng nếu bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn, nền kinh tế khu vực sẽ suy thoái ngay trong năm nay. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đó không phải là kịch bản chính của EU.
Phát biểu ngày 21/7, bà Largarde nói rằng “nếu cuộc chiến tranh ở Ukraine kéo dài, đó sẽ tiếp tục là một nguồn áp lực suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế châu Âu, nhất là nếu nguồn cung năng lượng từ Nga bị gián đoạn tới mức châu Âu phải chia khẩu phần khí đốt cho doanh nghiệp và các hộ gia đình”.
Hôm 20/7, Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất các nước EU giảm tiêu thụ khí đốt ít nhất 15% mỗi nước cho tới tháng 3 năm sau để tăng khả năng chống chọi với sự suy giảm nguồn cung khí đốt Nga trong mùa đông năm nay.