Mặc tin xấu từ Trung Quốc, giá Bitcoin tái lập mốc 40.000 USD
Chỉ trong vòng hơn 2 ngày, giá đồng tiền số lớn nhất thế giới đã tăng gần 10.000 USD...
Giá Bitcoin đã lấy lại mốc 40.000 USD, cho dù có tin vùng Nội Mông của Trung Quốc – “vựa” Bitcoin lớn nhất thế giới – đề xuất xử phạt những công ty và cá nhân tham gia đào tiền ảo.
Lúc hơn 14h chiều ngày 26/5 theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com là 40.666 USD, tăng gần 4,4% so với thời điểm cách đó 24 tiếng. Hôm thứ Hai (24/5), có lúc giá Bitcoin giảm dưới ngưỡng 32.000 USD. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 ngày, giá đồng tiền số lớn nhất thế giới đã tăng gần 10.000 USD, tương đương tăng khoảng 1/3.
Tuần trước, giá Bitcoin giảm chóng mặt vì các tuyên bố tăng cường giám sát tiền ảo của Trung Quốc và Mỹ, cũng như những dòng tweet của tỷ phú Mỹ Elon Musk. Từ hôm thứ Hai, giá Bitcoin và các tiền ảo khác bắt đầu hồi nhanh, sau khi ông Musk có một dòng tweet mới nói rằng ông đã gặp gỡ các nhà đào Bitcoin ở khu vực Bắc Mỹ và họ “cam kết sẽ công bố mức sử dụng năng lượng tái sinh ở thời điểm hiện tại và dự kiến trong tương lai”.
Mức tiêu thụ năng lượng của các mỏ đào Bitcoin đã quay trở lại “chiếm sóng”, sau khi ông Musk vào tuần trước tuyên bố hãng xe điện Tesla mà ông nắm quyền kiểm soát sẽ ngừng chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán khi khách hàng mua xe. Lý do mà ông Musk đưa ra cho động thái này là việc đào Bitcoin ngốn quá nhiều điện năng, gây hại cho môi trường.
Tiếp đó, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói cần “xử lý nghiêm hành vi đào và giao dịch Bitcoin” để ngăn chặn “sự lây lan rủi ro từ cá nhân ra xã hội”. Tuyên bố này cho thấy Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch đã kéo dài 4 năm siết kiểm soát đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo.
Theo tin từ CNBC, đề xuất mới nhất của chính quyền Nội Mông nhằm vào những doanh nghiệp như công ty viễn thông và công ty Internet tham gia đào tiền ảo. Nhà chức trách nói những doanh nghiệp như vậy có thể bị rút giấy phép kinh doanh nếu bị phát hiện có hoạt động đào tiền ảo. Các trung tâm điện toán đám mây hoặc dữ liệu đang hưởng ưu đãi của Chính phủ cũng sẽ bị cắt ưu đãi nếu bị phát hiện tham gia hoạt động này.
Lập trường cứng rắn của Nội Mông đối với hoạt động đào tiền ảo được đưa ra từ tháng 3, khi vùng này công bố lệnh cấm đối các dự án đào tiền ảo mới và đóng cửa các mỏ Bitcoin đã có để cắt giảm mức tiêu thụ điện năng.
Theo số liệu của Đại học Cambridge, hoạt động đào Bitcoin trên toàn cầu tiêu thụ 112,57 terrawatt giờ điện mỗi năm, nhiều hơn cả mức tiêu thụ điện năng của những quốc gia như Philippines hay Chile.
Trung Quốc chiếm khoảng 65% hoạt động đào Bitcoin trên toàn cầu. Do giá điện ở Nội Mông rẻ, vùng này chiếm khoảng 8% hoạt động đào Bitcoin toàn cầu, một thị phần lớn hơn cả của Mỹ.
Lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với tiền ảo không phải là điều gì mới. Nước này đã đóng cửa các sàn tiền ảo vào năm 2017 và cùng năm đó, ban lệnh cấm các cuộc phát hành tiền ảo lần đầu (ICO). Nhưng dù các sàn tiền ảo đã chuyển khỏi Trung Quốc, các nhà giao dịch tiền ảo vẫn hoạt động ở nước này.
Việc vùng Nội Mông mạnh tay với hoạt động đào Bitcoin diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực để trở thành một quốc gia “xanh” hơn. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này đặt mục tiêu giảm phát thải carbon từ 2030 trở đi và đạt carbon trung tính trước năm 2060.
Một báo cáo của tạp chí khoa học Nature Communications hồi tháng 4 nói rằng hoạt động đào Bitcoin có thể “cản trở nỗ lực giảm ô nhiễm” mà Trung Quốc đang theo đuổi.