"Make in Viet Nam": Cánh cửa cơ hội sẽ không mở mãi để chờ
"Cánh cửa cơ hội đang mở ra nhưng nó sẽ không ở đó mãi để chờ chúng ta. Và nếu các doanh nghiệp không theo kịp thì sẽ mất cơ hội'
Là một startup công nghệ khởi nghiệp tại Silicon Valley, ông Trần Việt Hùng, Nhà Sáng lập Got It cho rằng, điều quan trọng là chúng ta phải làm chủ các sản phẩm công nghệ, tận dụng được lợi thế, cơ hội để vươn lên. Muốn vậy, Việt Nam phải hình thành nguồn nhân lực giỏi để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao với tầm nhìn xuyên biên giới.
Là người Việt hiếm hoi chọn Silicon Valley để khởi nghiệp và gặt hái thành công với "Nền tảng chia sẻ kiến thức dưới dạng dịch vụ", ông có thể chia sẻ quan điểm và cách nhìn của mình về khát vọng "Make in Vietnam" với nội hàm sáng tạo, thiết kế, làm ra tại Việt Nam? Theo ông, Việt Nam có những lợi thế gì để hiện thực hóa khát vọng này?
Tôi cho rằng để có một nền kinh tế phát triển tốt, có được những sản phẩm chất lượng bán với giá cao, số lượng lớn với chi phí thấp, mang lại nhiều lợi nhuận trong một khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều so với trước đây thì chỉ có thể là phát triển các sản phẩm công nghệ. Trong quá trình này, yếu tố quan trọng và quyết định nhất là có con người giỏi chứ không phải là tiền.
Để làm ra các sản phẩm công nghệ, yêu cầu đầu tiên là phải có được đội ngũ những nhà quản lý sản phẩm giỏi - là người quyết định sản phẩm công nghệ sẽ thành hay bại. Điều này cũng giống như các kiến trúc sư khi xây dựng một ngôi nhà. Khi đã có "kiến trúc sư" giỏi, thì cần phải có đội ngũ "thi công", các kỹ sư phần mềm giỏi triển khai thực hiện, làm ra các sản phẩm chất lượng, đúng yêu cầu.
Đây là hai thành phần không thể thiếu và cần phải có số lượng rất lớn trong quá trình tạo ra một sản phẩm công nghệ chất lượng cao. Từ kinh nghiệm tuyển dụng của Got It, nguồn lực này ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều.
Nếu gắn với khát vọng "Make in Vietnam" với nội hàm sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam mà chúng ta thiếu những yếu tố như trên thì sẽ rất khó để hiện thực hóa.
Khi đã có những những người tạo ra sản phẩm công nghệ tốt thì cần phải có đội ngũ kinh doanh, phát triển thị trường với tư duy không biên giới. Theo tôi, một sản phẩm công nghệ ra đời không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà phải có tư duy phát triển ở các thị trường khác.
Vậy theo ông, những giải pháp công nghệ "Make in Vietnam" của doanh nghiệp có cơ hội và lợi thế để vươn ra ngoài để cạnh tranh và chiếm lĩnh các thị trường lớn không?
Việt Nam có lợi thế nhân lực trẻ tài năng, thông minh, tư duy tốt nhưng còn ở dạng thô, cần phải được đào tạo, rèn giũa. Thực tế, điểm hạn chế lớn của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay chính là vốn ngoại ngữ còn kém, chưa tự tin trong giao tiếp. Bên cạnh đó, nhân lực trẻ Việt Nam còn thiếu các kỹ năng mềm và kiến thức nền không sâu. Phần lớn các bạn học xong đi làm gia công nhưng sau đó không đào sâu để có tư duy giải quyết một vấn đề tốt của những người làm sản phẩm. Đây là những thứ mà nhân lực phần mềm Việt còn thiếu và cần phải được đào tạo để có được những đội ngũ nhân lực giỏi.
Tất cả các sản phẩm công nghệ, muốn phát triển, tạo ra nhiều giá trị thì cần phải có thị trường rất lớn. Mặc dù thị trường Việt Nam 100 triệu dân nhưng những người sẵn sàng dùng và trả tiền cho các sản phẩm công nghệ vẫn tập trung chủ yếu ở các thành phố nên chưa tạo ra một thị trường thực sự lớn. Vì vậy, để các thành công, các sản phẩm công nghệ phải tính đến yếu tố vươn ra khỏi biên giới. Tôi cho rằng Đông Nam Á là một thị trường mới nổi có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển cho các công ty công nghệ và đã xuất hiện những tên tuổi lớn quy mô trăm tỷ USD.
Ông đánh giá thế nào về tầm nhìn của các doanh nghiệp công nghệ và các giải pháp "Make in Vietnam"?
Tất nhiên, như tôi đã nói, điều quan trọng là các công ty công nghệ phải có được những đội ngũ quản lý, phát triển sản phẩm có tầm nhìn và nhân lực triển khai và phát triển thị trường giỏi. Khi phát triển ở trong nước, các doanh nghiệp có thể tận dụng các lợi thế sẵn có nhưng khi đã ra thị trường toàn cầu là phải cạnh tranh khốc liệt và sòng phẳng. Khi có kỹ năng, kiến thức và năng lực thì chúng ta sẽ tự tin vươn ra nước ngoài và làm những công việc tốt hơn.
Theo tôi, cánh cửa cơ hội đang mở ra nhưng nó sẽ không ở đó mãi để chờ chúng ta. Và nếu các doanh nghiệp không theo kịp thì sẽ mất cơ hội.
Hiện nay, ngoài một số sản phẩm game, ở Việt Nam tôi chưa nhìn thấy nhiều sản phẩm có quy mô ở thị trường toàn cầu, có thể giúp phát triển, tạo ra các giá trị dương, làm thay đổi cuộc sống.
Theo ông, để Việt Nam có những doanh nghiệp công nghệ phát triển quy mô toàn cầu, cần có yếu tố gì?
Tôi cho rằng, nếu không thực sự thay đổi để có một nguồn nhân lực giỏi và nhiều thì chúng ta khó có những doanh nghiệp phát triển mạnh ở quy mô toàn cầu. Tất nhiên, với công nghệ thì không có gì là không thể, khi đã có năng lực thì sẽ luôn có các cơ hội. Các sản phẩm công nghệ khi đã phát triển thì sẽ rất nhanh. Câu chuyện của Google, Facebook hay AirBnb... là những minh chứng.
Theo tôi, cùng với những nhân lực giỏi ở trong nước và thu hút, tập hợp được nhân tài người Việt ở nước ngoài thì chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cuộc chơi.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều nhân lực công nghệ, nhân tài đang học tập, sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Đây là một thế mạnh nhưng lực lượng này còn tản mát, chưa tạo thành một cộng đồng lớn.
Hiện nay đang có một số lượng lớn chuyên gia, nhà nghiên cứu, du học sinh người Việt học tập, làm việc ở nước ngoài. Theo ông, lực lượng này sẽ góp phần như thế nào trong việc hiện thực hóa khát vọng "Make in Vietnam"?
Những người giỏi thường không muốn ngồi không mà luôn muốn làm một việc gì đó cụ thể. Khi chúng ta tạo ra những công việc và mục tiêu rõ ràng giống như STEAM for Vietnam thì họ sẽ tham gia. Khi nhìn thấy thị trường có tiềm năng, cơ hội phát triển tốt để khai thác, phát huy thì họ sẽ về nước cùng tham gia mà không cần chờ kêu gọi. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phát triển tốt và đã kiểm soát được dịch Covid-19, đặc biệt trục phát triển đang chuyển dịch dần về châu Á... đang là những cơ hội vô cùng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước cũng như những chuyên gia, người Việt ở nước ngoài cùng phát triển với tinh thần win-win, mang lại giá trị tốt cho cả đất nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia và tất cả mọi người.
Bằng cách nào để Việt Nam thu hút các nguồn lực này hướng về đất nước, đóng góp nhiều hơn nữa cho mục tiêu khát vọng phát triển đất nước, thưa ông?
Theo tôi, cánh cửa cơ hội này cũng không mở lâu và nếu không tham gia, theo kịp cuộc chơi thì sẽ bị hất văng ra ngoài. Với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nếu muốn phát triển mà chưa đủ lực thì nên tìm cách kéo những chuyên gia, người Việt ở nước ngoài về làm cùng. Ngược lại, với những chuyên gia, người Việt ở nước ngoài, khi nhìn thấy những cơ hội tốt hơn ở trị trường trong nước sẽ về nước tham gia phát triển nếu có môi trường thuận lợi, có cơ chế hỗ trợ...
Việt Nam đã và đang xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số. Từ góc nhìn của người khởi nghiệp tại Silicon, ông có chia sẻ gì về định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ, startup với những sáng kiến mới tại Việt Nam thời gian tới?
Với các sản phẩm công nghệ, các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao như: Uber, Grab, Airbnb... trước đây chưa bao giờ tồn tại trên thị trường nên chưa có các cơ chế chính sách để hoạt động, phát huy tối đa các tiềm năng. Ở Việt Nam đã có cơ chế thử nghiệm cái mới như Sandbox là rất tốt và cần thiết. Đây là cách tiếp cận thông minh, phù hợp trong bối cảnh hiện nay để không bị mất cơ hội phát triển. Tôi cho rằng, để tận dụng cơ hội, có một nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ thì cần phải có những bước đi nhanh, nếu không chúng ta sẽ trở thành người tiêu dùng và làm giàu cho người khác.
Ngoài ra, đặc trưng của các công ty công nghệ, startup cần huy động vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Do đó, cần có các cơ chế chính sách để việc đầu tư, thu hồi vốn của các nhà đầu tư này được nhanh chóng, dễ dàng thuận lợi hơn...
Ông có lời khuyên gì với những startup, doanh nghiệp công nghệ "Make in Vietnam"?
Bản chất của startup là khi nhìn thấy thị trường có nhu cầu mới thì sẽ nhảy vào để phục vụ, cung cấp giải pháp.
Thị trường chuyển đổi số trong nước một vài năm tới vẫn có nhiều cơ hội tiềm năng và sẽ cạnh tranh khá sôi động. Đây có thể là điểm bắt đầu cho các doanh nghiệp công nghệ để tích lũy kinh nghiệm và tài chính. Tuy nhiên, các nhà cung cấp cũng không nên chỉ tập trung, trông chờ hết vào thị trường này mà nên có tầm nhìn xa, đi tìm kiếm mở rộng hoạt động ở các thị trường khác.
Tôi cho rằng, các startup nên có hướng tiếp cận, tiếp xúc với thị trường toàn cầu càng sớm càng tốt.
Trước đây, ông từng chia sẻ lo lắng của mình về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực công nghệ Việt Nam. Đến nay, ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào, đã cải thiện chưa? Cần giải pháp nào để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số cũng như nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực số?
Tôi chưa nhìn thấy sự thay đổi lớn về vấn đề này. Điểm sáng trong năm qua là do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 nên rất nhiều người làm công nghệ ở nước ngoài về Việt Nam lâu dài. Nếu những lực lượng này kết hợp với nhân lực trong nước có thể sẽ tạo ra một lực lượng làm công nghệ tốt ở quy mô vừa. Còn để tạo một nguồn lực quy mô lớn thì cần phải đào tạo và siết chặt về chất lượng đào tạo kỹ sư công nghệ.
Ở nhiều nước, các trường đại học kết hợp với các doanh nghiệp, công ty làm sản phẩm để kỹ sư vào dạy cho sinh viên hình dung những hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp phải rất chặt chẽ, như một đối tác, người đồng hành trong đào tạo, giảng dạy. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tạo ra được nguồn nhân lực giỏi, có chất lượng và gắn liền với thực tế.
Có phải vì điều này mà ông đã khởi xướng STEAM for Vietnam nhằm thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM- mô hình còn khá mới ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những kết quả đã đạt được và kỳ vọng từ mô hình này trong trang bị những kỹ năng cho lớp trẻ, hình thành nguồn nhân lực số chất lượng cao trong tương lai tại Việt Nam? Làm thế nào để nhân rộng mô hình này ở Việt Nam?
STEAM vào Việt Nam với mục tiêu giải quyết vấn đề mang tính dài hơi. Trẻ em Việt Nam ở độ tuổi lên 10 là thời điểm đẹp nhất để có thể định hướng, thử học để phát hiện ra những đam mê công nghệ, từ đó có phương pháp bồi dưỡng thêm, để đi sâu và xa hơn. Những thế hệ này trong 15-20 năm nữa sẽ hoàn toàn có thể trở thành thế hệ công dân toàn cầu, có kiến thức và kỹ năng để có thể tự tin làm việc ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tôi hy vọng những thế hệ này sẽ làm lên chuyện, sẽ tạo ra rất nhiều các công ty như Got It và hơn thế nữa.
Điều đặc biệt là STEAM Việt Nam đã huy động được rất nhiều nhân tài giỏi ở nước ngoài cùng tham gia. Đây là những người giỏi, có vị trí cao ở nhiều công ty lớn trên toàn cầu nhưng đều có chung một tâm huyết, ước muốn có thể truyền lại kiến thức từ chính trải nghiệm bản thân cho các thế hệ đi sau. Rất nhiều trong số họ thành công nhờ môi trường giáo dục tốt và được dẫn dắt bởi những người giỏi đi trước nên họ muốn làm điều tương tự cho các bạn trẻ ở Việt Nam. Theo tôi, đây là điều rất cần thiết và quan trọng bởi trẻ em nếu được giao lưu, dẫn dắt, định hướng tốt từ những người giỏi sẽ đi rất xa.
Trong khóa đầu tiên, STEAM Việt Nam đã thu hút hơn 7.000 học sinh và khóa này đang có khoảng 11.000 học sinh người Việt ở tất cả các tỉnh thành và 33 quốc gia tham gia. Sự ra đời của STESM không những tạo thành một mạng lưới những người Việt ở nước ngoài kết nối với nhau mà còn tạo ra một phong trào học tập công nghệ, lập trình cho trẻ em Việt Nam.
STEAM for Việt Nam bước đầu tập trung vào các em lứa tuổi cấp 2 nhưng tương lai sẽ mở rộng sang các lứa tuổi lớn hơn hoặc nhỏ hơn tùy theo khả năng của tổ chức. Tuy nhiên, do nhu cầu rất lớn, với số lượng người phục vụ sẽ lên đến hàng triệu nên có hàng nghìn STEAM for Vietnam cũng không đủ. Do đó rất cần sự chung tay tham gia của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp. Đây cũng là cách các doanh nghiệp đào tạo nhân lực tương lai cho mình.
Ông có thể chia sẻ đôi chút về Got It hiện nay và những dự định, kế hoạch của mình trong thời gian tới?
Hiện nay Got It đang phát triển rất tốt, ổn định và có chỗ đứng vững trên một số thị trường. Ví dụ như trong mảng giáo dục, khoảng 270 trường đại học của Mỹ đang dùng sản phẩm công nghệ của Got It cho sinh viên của họ. Các sản phẩm cho doanh nghiệp cũng đang được các công ty lớn ở Mỹ ứng dụng. Có những công ty phần mềm hàng đầu thế giới hiện đang phát triển sản phẩm của họ dựa trên nền tảng của Got It...
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hỗ trợ người dùng ở các lĩnh vực, ngành nghề khác và đưa ra thị trường dòng sản phẩm về Trí tuệ nhân tạo hoàn toàn mới. Mục tiêu cuối cùng của Got It là giúp cho người dùng làm việc hiệu quả hơn bằng cách kết nối họ với một chuyên gia giỏi mỗi khi họ bị bế tắc trong công việc. Mọi người có thể tưởng tượng Got It sẽ giống như Google nhưng thay vì trả kết quả bằng thông tin đọc trên mạng thì chúng tôi trả về một chuyên gia giỏi để kết nối trực tiếp với người đặt câu hỏi, để giúp họ giải quyết vấn đề.