Mạng lưới “chân rết” và thủ đoạn chuyển hàng trăm tỷ đồng qua biên giới
Trong mạng lưới "chân rết" giúp sức Trịnh Tiến Dũng vận chuyển hàng trăm tỷ đồng qua biên giới có các giám đốc "hờ" trong đó có người nhà, nữ giúp việc... của các bị can cũng bị lôi kéo tham gia.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra đối với 60 bi can trong vụ án Trịnh Tiến Dũng. Bên cạnh sai phạm của cơ quan thuế, cơ quan điều tra cũng làm rõ nhóm pháp nhân thực hiện việc ký hợp đồng mua bán, mở tài khoản ngân hàng nhằm hợp thức việc xuất nhập hàng hóa, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài và ngược lại.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2017-2019, Trịnh Tiến Dũng (đã bỏ trốn) điều hành nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để lập hồ sơ mua bán lòng vòng, xuất nhập khẩu hàng hóa linh kiện điện tử.
Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, UAE, Singapore, thông qua các đầu mối trung gian, Dũng cho tổ chức lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tiền thuế của nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vận chuyển trái phép hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Theo kết luận, Nguyễn Hoàng Lân là nhân viên làm thuê cho Dũng và Trần Nhất Thanh. Lân sử dụng 7 CMND giả để thuê người làm dịch vụ thành lập 6 pháp nhân gồm Công ty Thành Phát, Công ty Trúc Nhã, Công ty Châu Văn, Công ty Mai Trần, Công ty Thiên An và Công ty Hòa Phú, Công ty Thế Hải.
Việc thành lập các pháp nhân nhằm mục đích ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, mua bán lòng vòng trong nước để hợp thức việc chuyển tiền ra nước ngoài.
Để chuyển tiền ra nước ngoài, Lân giả mạo chữ ký các giám đốc, đại diện pháp luật của 6 công ty đối tác, lập 28 bộ hồ sơ giả để nhập khẩu đĩa CD Rom chứa phần mềm Software Adobe Creative. Với cách thức này, Lân chuyển trái phép hơn 12,6 triệu USD, tương đương hơn 295 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, Lân tiếp tục giả mạo chữa ký của giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Thuận Thiên, Công ty Brian tại 8 bộ hồ sơ xuất khẩu và các bộ chứng từ tại ngân hàng để chuyển hơn 34 tỷ đồng từ nước ngoài về Việt Nam.
Cụ thể, Lân mạo danh chữ ký Nguyễn Văn Tình – giám đốc Công ty Thuận Thiên tại 3 bộ hồ sơ xuất khẩu và chứng từ thanh toán để làm thủ tục xuất khẩu tranh gỗ cho Công ty Avi (Mỹ) với giá trị hợp đồng là 500.000 USD. Tương tự, Lân giả chữ ký của Nguyễn Hồng Hải, giám đốc Công ty Brian tại 5 hồ sơ xuất khẩu và chứng từ thanh toán để làm thủ tục xuất khẩu chip IC cho các công ty tại Mỹ với giá trị hơn 1,2 triệu USD.
Các đối tượng “chân rết” giúp sức cho Dũng còn có Dương Hoàng Ý Nhi – nhân viên làm thuê cho Mạc Văn Nguyện. Nhi có nhiệm vụ giữ và quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu; ký khống các hợp đồng xuất, nhập khẩu;lập khống hợp đồng… Nhi giúp sức cho Dũng và Nguyện vận chuyển hơn 50 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Ngoài ra, Mạc Thành Nam – em trai của Nguyện, giám đốc “hờ” Công ty TNHH Hoạt Minh, Công ty Thanh Bình, Công ty CAD, Công ty Minh Tâm… vận chuyển hơn 178 tỷ đồng ra nước ngoài và chuyển hơn 6,9 tỷ đồng về Việt Nam.
Tương tự, bị can Lưu Thị Liễu – vợ Nguyện đứng tên giám đốc Công ty Định Nam, Công ty Ánh Hồng, Công ty Minh Văn để chuyển hơn 19,6 tỷ đồng ra nước ngoài và 74,4 tỷ đồng về Việt Nam.
Các bị can khác giúp sức cho Dũng và Thanh còn có Huỳnh Chí Thanh (anh trai cùng mẹ khác cha của Thanh), Lưu Thị Nương (giúp việc nhà cho Nguyện), Dư Trường Phong, Nguyễn Đình Thịnh, Nguyễn Đình Trung...
Theo kết luận điều tra, Trịnh Tiến Dũng cũng là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo Mạc Văn Nguyện mua CMND trôi nổi để thành lập Công ty Indo Vina và Công ty Hà Giang. Còn Mạc Thành Nam và Dương Hoàng Ý Nhi ký hồ sơ để làm thủ tục nhập khẩu trái phép hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Nhận chỉ đạo của Dũng, Nguyễn Thị Phương Anh lấy tên các pháp nhân ở nước ngoài để đặt hàng và sử dụng Công ty Indo Vina, Công ty Hà Giang làm thủ tục mua hàng, nhận hàng và tiêu thụ hàng.
Ngoài ra, Nguyện và Võ Thị Ngọc Hạ chỉnh sửa hồ sơ thay đổi số lượng chủng loại làm thủ tục khai báo hải quan sai mã hàng, sai số lượng để nhập khẩu trái phép 39 lô hàng trị giá hơn 74,8 tỷ đồng từ nước ngoài vào Việt Nam rồi bán ra thị trường thu lời.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can trên phạm vào tội Buôn lậu. Quá trình điều tra, các bị can thành khẩu khai báo, ăn năn hối cải.
Đối với Trịnh Tiến Dũng, do Dũng đang bỏ trốn, cơ quan điều tra tách, rút tài liệu và xử lý sau.