16:30 09/02/2022

Mạnh tay mua nhà và ô tô, nợ hộ gia đình Mỹ tăng kỷ lục 14 năm

Đức Anh

Sau một năm mua sắm mạnh tay, người Mỹ đã vay nợ nhiều hơn với mức nợ hộ gia đình tăng mạnh nhất kể từ năm 2007…

Nợ hộ gia đình Mỹ tăng 1.000 tỷ USD trong năm 2021 - Ảnh: Getty Images
Nợ hộ gia đình Mỹ tăng 1.000 tỷ USD trong năm 2021 - Ảnh: Getty Images

Theo báo cáo của Ban Tín dụng Tiêu dùng, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, nợ hộ gia đình của Mỹ trong năm 2021 đã tăng thêm 1.000 tỷ USD, mức tăng lớn nhất 14 năm. Chỉ riêng trong quý 4, nợ hộ gia đình đã tăng 333 tỷ USD lên 15.580 tỷ USD, cũng là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2007. 

Tổng dư nợ hộ gia đình Mỹ tăng thêm 1.400 tỷ USD so với năm 2019 - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong đó, động lực chính cho sự gia tăng này là các khoản vay thế chấp và khoản vay mua ô tô. 

"Tổng dư nợ các khoản vay thế chấp và vay mua ô tô mới tăng mạnh trong năm 2021, tương ứng với sự tăng lên của giá nhà và ô tô”, Wilbert Van Der Klaauw, Phó chủ tịch cấp cao tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ New York cho biết.

Theo báo cáo trên, các khoản vay mua nhà mới đạt mức kỷ lục trong năm ngoái đã đẩy nợ thế chấp của các hộ gia đình Mỹ tăng 258 tỷ USD lên 10.930 tỷ USD trong quý 4. Các khoản vay mới này được chốt với mức lãi suất thấp trong bối cảnh người Mỹ chạy đua mua nhà trước dự kiến tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Theo các nhà nghiên cứu của Fed, điều này có thể gây ra tác động không mong muốn là khiến các chủ nhà không muốn bán nhà để tiếp tục giữ mức lãi suất thấp.

Trong khi đó, các khoản vay mới để mua ô tô tăng 84 tỷ USD trong năm 2021 lên 734 tỷ USD – chiếm hơn 50% tổng dư nợ mua ô tô 1.460 tỷ USD theo dữ liệu của Fed. Điều này một phần bắt nguồn từ việc ô tô tăng giá chưa từng thấy trong năm 2021.

Báo cáo chỉ ra rằng xu hướng giá tăng ảnh hưởng tới tất cả các loại ô tô mà người vay nợ mua. Điểm khác biệt nhỏ duy nhất là người vay dưới chuẩn được giải ngân mua ô tô ít hơn 16% so với năm 2019.

Ngược lại, dư nợ các khoản vay sinh viên giảm 8 tỷ USD trong năm 2021 – lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ tăng đều đặn. Một số nguyên nhân của việc này là lượng sinh viên nhập học ít hơn và thay đổi về chính sách xóa nợ. Theo các nhà nghiên cứu của Fed, dù người vay được hoãn, giãn nợ trong đại dịch, sau cùng họ vẫn phải trả khoản nợ này. Do đó, nhiều người do dự vay nợ sinh viên.

“Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi, thu nhập tăng lên và các hộ gia đình có khả năng gánh thêm nợ", Giáo sư Tim Duy của Đại học Oregon, cũng là nhà kinh tế trưởng của SGH Macro Advisers, nhận xét. "Tỷ trọng trong thu nhập khả dụng mà các hộ gia đình chi cho tiền thuê nhà, tiền vay, thuế và các khoản khác đang ở mức thấp theo các tiêu chuẩn lịch sử". 

Theo báo cáo trên, bức tranh tiêu dùng hộ gia đình Mỹ năm qua nhìn chung tươi sáng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng một khi các chương trình hỗ trợ trong đại dịch - như hoãn, giãn nợ - chấm dứt, cùng với giá cả leo thang và lãi suất tiếp tục tăng, gánh nặng nợ mới và bức tranh dòng tiền của hộ gia đình có thể gây ra nhiều áp lực cho nền kinh tế.