''Mặt trận phải là nơi để người dân phản ảnh, tố giác tham nhũng''
Tổng bí thư yêu cầu Mặt trận Tổ quốc tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"
Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.
Đây là điều được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại hội nghị lần thứ sáu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 4/1.
Tổng bí thư khẳng định, những đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm qua và năm 2016 là rất to lớn và quan trọng. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác mặt trận cũng còn những hạn chế, bất cập.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2017, Tổng bí thư gợi ý thêm một số vấn đề.
Theo Tổng bí thư, một trong những nhiệm vụ bao trùm, quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc trong năm 2017 và những năm tới là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng bí thư phát biểu.
Gợi ý tiếp theo từ lãnh đạo cao nhất của Đảng là Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức đảng và cơ quan chính quyền, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân và vì dân.
Mặt trận Tổ quốc, theo Tổng bí thư cần chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.
Tổng bí thư cũng yêu cầu Mặt trận thực hiện tốt, có hiệu quả quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đây là các quy định cơ bản, tạo điều kiện để Mặt trận triển khai hoạt động giám sát trong thời gian tới.
"Cũng cần lưu ý thêm là giám sát và phản biện xã hội là để làm tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội chứ không phải là làm phân tán, phân tâm tư tưởng, làm giảm sự đồng thuận xã hội; để khuyến khích sự sáng tạo, tìm tòi cái mới chứ không phải là làm thui chột sự sáng tạo", Tổng bí thư nói.
Vẫn theo Tổng bí thư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hoá. Các phong trào cần chú ý đáp ứng đúng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân, giải quyết những vấn đề thiết thực, sát sườn của dân; đoàn kết, tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ Đảng và Nhà nước; tham gia quản lý xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Coi trọng việc nhân rộng các điển hình tốt, phê phán những việc làm xấu, khắc phục tính hình thức.
Muốn thế, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là những cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp; chú trọng việc phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chung.
Trong bài phát biểu, Tổng bí thư cũng nói cụ thể thêm về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đề nghị từ Tổng bí thư là mỗi cán bộ, công chức, viên chức; đảng viên, đoàn viên, hội viên và các đơn vị thuộc cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cơ quan các tổ chức thành viên phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết đối với sự tồn vong của Đảng, của dân tộc. Thấy hết trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, để từ đó triển khai thực hiện cho có hiệu quả, không chỉ cam kết mà phải có hành động cụ thể, thực tế trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, chống suy thoái, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phải phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận, xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ảnh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".