Sự khác nhau là gì?
Nói một cách đơn giản nhất thì máy lạnh sử dụng công nghệ inverter cũng giống như một máy lạnh bình thường khác, nhưng trong cấu tạo máy có thêm bo mạch điện tử. Mạch điện tử này có công dụng điều khiển tần số của dòng điện để thay đổi công suất của động cơ. Ở máy lạnh inverter thì mạch điện tử sử dụng cả cho động cơ máy nén và quạt dàn nóng
Cụ thể, khi được bật lên, mạch điện tử sẽ giúp máy nén của máy lạnh inverter sẽ khởi động rất chậm. Chính điều đó sẽ giúp làm giảm lượng điện tiêu thụ trong quá trình hoạt động ban đầu này. Tốc độ vòng quay của máy nén sẽ tăng dần lên cho đến khi phòng đạt được độ lạnh mong muốn và mạch điện tử sẽ giúp máy nén luôn duy trì ở một tốc độ để giữ ổn định nhiệt độ phòng.
Còn ở máy lạnh thông thường, máy nén sẽ luôn chạy ở tốc độ cao nhất, không đổi cho đến khi nhiệt độ phòng đạt được thấp hơn nhiệt độ cài đặt. Khi đạt được nhiệt độ đó, máy nén sẽ tự động ngừng hoạt động hoàn toàn. Chỉ khi nào nhiệt độ phòng tăng cao hơn mức cài đặt thì máy nén mới lại được khởi động lại và tiếp tục chu kì vận hành mới. Như vậy, máy nén của máy lạnh thường sẽ phải khởi động chạy – dừng liên tục để duy trì nhiệt độ phòng ổn định.
Khả năng tiết kiệm điện: ai hơn ai?
Sự tiêu tốn điện năng nhiều nhất khi vận hành máy lạnh thường là ở giai đoạn khởi động máy chứ không phải ở quá trình duy trì nhiệt độ phòng. Chính vì thế, do liên tục bật – tắt, khởi động lại máy nén trong quá trình vận hành nên máy lạnh thường chắc chắn sẽ gây tốn điện hơn. Còn đối với máy lạnh inverter, bản chất là sử dụng mạch điện tử để thay đổi tần số dòng điện, kiểm soát số vòng quay của máy nén lạnh và do đó, kiểm soát được năng suất của máy mà không cần đóng ngắt, khởi động lại máy nén lạnh liên tục.
Hoặc giả chỉ cần so sánh về công suất làm lạnh BTU và công suất tiêu thụ điện tính bằng Watt trong cùng một điều kiện phòng là bạn có thể dễ dàng hình dung được sự khác biệt. Máy lạnh thường có chỉ số 12.000BTU sẽ tiêu thụ 1.500 Watt điện. Còn máy lạnh Inverter chỉ số 12.000BTU chỉ tiêu thụ 1.200W điện. Như vậy rõ ràng là công nghệ Inverter có khả năng tiết kiệm được 20% điện năng tiêu thụ nếu được sử dụng trong cùng một vị trí như nhau.
Hiệu quả làm lạnh thì sao?
Do luôn vận hành ở mức độ cao nhất khi máy nén hoạt động nên máy lạnh thường luôn cho công suất làm lạnh cao, hiệu quả nhanh. Khi sử dụng cho căn phòng có diện tích lớn với nhiều người sinh hoạt thì máy sẽ đem lại cảm giác dễ chịu hơn. Đặc biệt, khi phòng không có điều kiện cách nhiệt tốt, cửa ra vào đóng mở thường xuyên thì máy lạnh thường sẽ cho khả năng làm lạnh tốt hơn hẳn máy lạnh Inverter (dù như vậy rõ ràng là tốn điện hơn).
Do khởi động rất từ từ nên máy lạnh Inverter làm lạnh khá chậm và có phần yếu nếu nhiệt độ phòng quá cao. Để thấy được hiệu quả lạnh rõ rệt hơn khi dùng máy lạnh Inverter, bạn sẽ cần phải đặt tốc độ quạt gió cao khi mới vận hành nên sẽ tạo độ ồn nhất định. Nhưng khi đã đạt được nhiệt độ mong muốn, bạn có thể giảm tốc độ quạt gió để giảm tiếng ồn và phòng thì vẫn sẽ được duy trì nhiệt độ ổn định liên tục.
Công bằng mà nói, việc duy trì nhiệt độ phòng ổn định của máy lạnh Inverter sẽ chỉ phát huy hiệu quả trong điều kiện phòng được cách nhiệt tốt, không bị thất thoát độ lạnh nhiều (nhìn chung là phù hợp hơn cả cho phòng ngủ). Còn trong điều kiện phòng thường xuyên đóng mở cửa ra vào, phòng đông người (như phòng khách), phòng quá nóng (như phòng bếp) hoặc diện tích phòng lớn hơn công suất máy thì máy lạnh Inverter thực sự không phát huy được hiệu quả làm lạnh hay tiết kiệm điện.
Nếu được sử dụng trong môi trường thuận lợi, phòng kín, máy lạnh Inverter sẽ phát huy hiệu quả làm lạnh tốt đối với sức khoẻ người dùng vì ít có sự biến thiên đột ngột về nhiệt độ phòng. Sau khi khởi động xong, máy lạnh inverter sẽ chạy toàn tải cho đến khi phòng đạt được nhiệt độ yêu cầu. Sau đó, nhờ cảm biến nhiệt độ, mạch điện tử sẽ điều khiển máy nén và quạt dàn nóng hoạt động ở mức độ để công suất lạnh cấp ra đủ bù cho phần thất thoát trong phòng. Nhiệt độ trong phòng vì thế sẽ luôn được giữ ở một mức ổn định.
Có yêu cầu gì về điện áp không?
Do được điều khiển bằng vi mạch điện tử nên máy lạnh Inverter luôn đòi phải được lắp đặt ở một nguồn điện áp chuẩn theo chuẩn điện áp nhà sản xuất đề ra. Nhưng khi đã được lắp đặt đúng nguồn điện áp, máy lạnh Inverter luôn được khởi động từ từ chứ không đột ngột ở mức cao nhất như máy lạnh thường nên sẽ không gây sụt điện áp và an toàn hơn cho dây dẫn điện.
Ngoài ra, cũng nhờ bảng mạch điện tử nên máy lạnh Inverter có thể giảm công suất hoạt động xuống khoảng 50% nên bạn vẫn có thể bật máy lạnh cả khi chạy máy phát điện nếu cần. Hơn nữa, sự ổn định điện áp khi chạy cũng giúp cho máy lạnh Inverter “thân thiện” với máy phát điện hơn hẳn. Trong một số trường hợp, việc bật nhiều máy lạnh cùng lúc có thể gây quá tải hay nhảy CB tổng. Khi đó, máy lạnh inverter có chức năng giảm công suất sẽ giúp cho bạn có thể thoải mái mở nhiều máy một lúc mà không lo nhảy CB.
Khả năng sửa chữa thế nào?
Nhìn chung, việc sửa chữa, bảo trì hay thay thế các linh kiện cho máy lạnh thường là việc vô cùng dễ dàng. Máy lạnh Inverter có hệ thống mạch điện điều khiển phức tạp hơn, khó phát hiện, khó sửa chữa và khó kiếm phụ tùng thay thế khi hỏng hóc hơn.
Máy lạnh thường nhìn chung có giá thành dễ chịu hơn, thậm chí có khi chỉ bằng phân nửa so với máy lạnh sử dụng công nghệ Inverter. Trong suốt quá trình vận hành, bạn cũng không phải tốn quá nhiều chi phí chăm sóc, bảo dưỡng cho máy lạnh thường. Ví dụ, khi nạp gas cho máy lạnh thường thế hệ gas cũ thì bạn chỉ tốn khoảng 150.000đ. Nhưng với máy lạnh Inverter, bạn có thể sẽ phải trả khoản tiền cao hơn từ 2 – 3 lần cho thế hệ gas mới R410.
Vì vậy với những gia đình mong muốn sở hữu một chiếc máy lạnh có thể phục vụ nhu cầu hằng ngày mà không phải tốn quá nhiều chi phí mua và bảo trì máy thì máy lạnh thường sẽ là lựa chọn thích hợp nhất.
Đức Hiền