11:11 24/09/2024

Miền Bắc tăng tốc phục hồi để đón mùa cao điểm khách quốc tế

Tường Bách

Mặc dù việc khắc phục thiệt hại sau bão khiến hoạt động du lịch ở một số địa phương bị ảnh hưởng, song các chuyên gia cho rằng có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực cho ngành du lịch Việt trong những tháng cuối năm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 17/9, chính phủ yêu cầu các cấp hỗ trợ "nhanh, trực tiếp" cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại sau bão. Thời gian thực hiện trong tháng 9 và 10, riêng một số chính sách cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài đến hết 2025. Ngay lập tức, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng của bão Yagi cho biết "rất vui mừng" trước chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Ngoại trừ Cát Bà, địa phương đang "tê liệt" vì hậu quả nặng nề sau bão, nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai đã nhanh chóng dọn dẹp đường phố, thu gom cây đổ, rác thải, khôi phục cảnh quan. Ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng Giám đốc Tràng An Travel, thông tin chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có các trung tâm du lịch lớn, bị ảnh hưởng nhưng đã sớm được khắc phục. Một số tour tuyến đưa khách đến Hà Nội - Hạ Long đã được khơi thông trở lại.

Những tháng cuối năm là mùa khách quốc tế của Quảng Ninh. Để không lỡ nhịp đón dòng khách này, đội tàu nhà hàng, tham quan, lưu trú trên Vịnh đã sẵn sàng các điều kiện đón khách với sự an toàn và chất lượng dịch vụ cao nhất. Cụ thể, có 315/359 tàu tham quan, tàu nhà hàng và tàu lưu trú, tương đương với 88% số tàu trên vịnh Hạ Long đã sẵn sàng các điều kiện phục vụ du khách. Bảo tàng Quảng Ninh cũng đang gấp rút hoàn thiện việc sửa chữa, mục tiêu mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 1/10.

Vịnh Hạ Long yên ả trở lại sau cơn bão Yagi. Ảnh từ hướng dẫn viên du lịch Trần Mạnh Hà.
Vịnh Hạ Long yên ả trở lại sau cơn bão Yagi. Ảnh từ hướng dẫn viên du lịch Trần Mạnh Hà.

Cũng là địa chỉ chuyên phục vụ du khách quốc tế, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long đang chạy đua với thời gian để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty CP Ngọc trai Hạ Long chia sẻ: “Việc sẵn sàng các điều kiện đón khách vào thời điểm này vừa là thách thức vừa là thời cơ với chúng tôi. Thách thức là chúng tôi phải cố gắng bằng 5 bằng 10 bình thường để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Cơ hội là đón mùa khách quốc tế 2024 thành công chúng tôi sẽ phục hồi nhanh hơn”.

CEO Phạm Hà của Lux Group cho biết hai du thuyền của công ty gồm Emper Cruises Legacy Hạ Long và Heritage Bình Chuẩn, chỉ bị hư hại nhẹ nên đã đón khách trở lại. Tính đến nay, hai tàu đã đón 6 đoàn, mỗi đoàn gần 100 khách và chủ yếu là khách quốc tế. Ông Hà cho biết từ nay đến cuối tháng, hai tàu của ông cũng gần như kín lịch đón khách. Ngoài khách đặt qua công ty, hai tàu của Lux Group còn hỗ trợ nhận thêm khách từ các tàu du lịch khác tại Hạ Long bị chìm hoặc thiệt hại nặng trong bão Yagi.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nói riêng và hệ thống doanh nghiệp nói chung bị thiệt hại sau bão, Sở Du lịch Quảng Ninh đã đề xuất nhiều giải pháp như cơ cấu lại thời gian vay, nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay hoặc được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị thiệt hại; Xem xét phương án giảm tiền thuê đất/thuế đất, mặt nước; giãn thuế dịch vụ; tạm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, phí vệ sinh môi trường hoặc xem xét phương án gia hạn thời gian cho việc quyết toán các loại thuế…

Tương tự Quảng Ninh, nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng tại miền Bắc cũng đã khẩn trương gượng dậy sau bão với nhiều giải pháp quyết liệt, nhằm có thể thực hiện mục tiêu đề ra trong năm 2024. Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, cho biết đơn vị đang nghiên cứu xây dựng tour du lịch kết hợp thiện nguyện. Các chương trình sẽ được doanh nghiệp địa phương kết hợp với các đơn vị lữ hành thiết kế lịch trình cụ thể.

Nhiều du khách, cả trong nước và quốc tế, đã bày tỏ sự bất ngờ và hài lòng trước tốc độ phục hồi ấn tượng của Sa Pa. Ảnh từ hướng dẫn viên Sung Thao.
Nhiều du khách, cả trong nước và quốc tế, đã bày tỏ sự bất ngờ và hài lòng trước tốc độ phục hồi ấn tượng của Sa Pa. Ảnh từ hướng dẫn viên Sung Thao.

Đây là hình thức trải nghiệm và kết hợp hỗ trợ các bản làng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai; du lịch gắn với tham quan các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Loại hình du lịch này còn khá mới mẻ song đang có xu hướng phát triển trở thành một hình thức phổ biến và hấp dẫn hơn tại Việt Nam. Chẳng hạn, trong thời gian 3 ngày 2 đêm, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương; tham quan điểm du lịch Y Tý, Lao Chải, cầu Thiên Sinh… kết hợp tham gia chương trình thiện nguyện giúp đỡ học sinh khó khăn ở A Lù, Nậm Pung…

Tại Hà Nội, công tác khắc phục ảnh hưởng của mưa bão cũng được thực hiện nhanh chóng, với nhiều điểm du lịch đã hoạt động trở lại bình thường. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: "Đơn vị đã tổ chức chỉnh trang lại cảnh quan, quét dọn rác, dựng lại cây đổ tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa và đón khách tham quan trải nghiệm".

Các điểm di tích khác như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám..., lượng du khách tham quan đã đông trở lại. Từ ngày 19 đến 22-9, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội tổ chức Festival Thu sau 1 tuần hoãn do bão lũ. Đây là một trong những sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch trọng điểm của thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Nhìn nhận hậu quả mà cơn bão số 3 gây ra cho ngành du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) cho rằng, sau cơn bão số 3, các địa phương cần rút ra bài học về biện pháp phòng tránh và ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả. Đồng thời, cần phải xem xét lại cách tiếp cận trong việc phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình thời tiết và khí hậu tại từng vùng, miền.

“Để phát triển sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết và khí hậu các địa phương cần lưu ý đến việc thiết kế các trải nghiệm du lịch đa dạng và linh hoạt, có khả năng thích ứng với các điều kiện thời tiết khác nhau. Đồng thời, cần đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch để đảm bảo an toàn và tiện nghi cho du khách”, ông Quỳnh cho hay.

Các điểm di tích tại Hà Nội như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám..., lượng du khách tham quan đã đông trở lại.
Các điểm di tích tại Hà Nội như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám..., lượng du khách tham quan đã đông trở lại.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho biết mặc dù những tháng gần đây đang là mùa thấp điểm của du lịch quốc tế nhưng du lịch Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng về dòng khách ngoại, trung bình tăng 1,4 - 1,5 triệu lượt khách/tháng. Chuẩn bị bước vào mùa cao điểm khách quốc tế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở về một kết quả tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam đạt mục tiêu 18 triệu khách quốc tế, khoảng 110 triệu khách nội địa, tổng thu 680 nghìn tỷ đồng

Đặc biệt, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, việc Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp; địa phương đầu tư xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu du khách; một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đi lại, đặc biệt là chính sách thị thực, các điều kiện về thời gian lưu trú được cải thiện, miễn giảm thuế… chính là điểm tựa, giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn sau bão số 3 để "về đích".