10:53 07/09/2017

Miền Trung tìm lại giấc mơ xưa

Đoàn Trần

Miền Trung đã từng có nhiều giấc mơ rực rỡ nhưng dang dở và trong nhiều năm qua, chưa từng ngơi nghỉ trong việc tìm lại giấc mơ xưa.

Hơn một thập kỷ trước, Khu kinh tế mở Chu Lai từng rất được kỳ vọng tạo bước đột phá cho khu vực miền Trung và cả nước.<br>
Hơn một thập kỷ trước, Khu kinh tế mở Chu Lai từng rất được kỳ vọng tạo bước đột phá cho khu vực miền Trung và cả nước.<br>
Đã ngót mười năm, kể từ năm 2007, ý tưởng liên kết các tỉnh miền Trung được khơi gợi mãnh liệt và một diễn đàn đầu tiên về kinh tế miền Trung được tổ chức. Từ đó đến nay, miền Trung dường như vẫn bâng khuâng tìm lại giấc mơ bị bỏ quên ở đâu đó...

Giữa tháng 12/2006, cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển đầu tiên của Việt Nam được khánh thành nối Thành phố Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Cây cầu đã mang tới giấc mơ về một Hồng Kông bên hông Quy Nhơn, đưa các tỉnh miền Trung rực sáng...

Năm tháng đi qua, viễn cảnh sẽ có một Hồng Kông rực sáng giữa lòng miền Trung cứ lùi dần, thậm chí, nhiều người còn không biết đã từng có một giấc mơ như thế. Cả khu kinh tế Nhơn Hội chỉ có một vài dự án hiện diện và tương lai của nó sẽ thế nào vẫn chỉ như là bóng dáng thấp thoáng nơi chân trời xa tắp, như dự án Vĩnh Hội Resort đầu tư 250 triệu USD; Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội 22 tỷ USD và gần đây là FLC Nhơn Lý với tổ hợp resort 3.500 tỷ đồng...

Năm 2003, Quảng Nam được chọn để xây dựng khu kinh tế mở đầu tiên của đất nước, Khu kinh tế mở Chu Lai. Nhớ lại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, năm 1991, bắt đầu manh nha hình thành các khu chế xuất. 3 năm sau bắt đầu hình thành khu công nghiệp. Đến năm 1996 hình thành ra khu kinh tế cửa khẩu, năm 1998 hình thành chính sách về khu công nghệ cao. 5 năm sau từ 1998 đến 2003, Việt Nam mới bắt đầu nghĩ tới khu kinh tế mở.

Quá trình này các bước đi đều có tính toán, rút kinh nghiệm từ quy mô nhỏ. Sau khoảng thời gian như vậy, bắt đầu thấy những cơ chế cho không gian phát triển kinh tế chật chội và cần phải có Khu kinh tế mở để phát triển đất nước. Đây cũng là thời điểm Việt Nam chứng kiến sự thành công rực rỡ của một số mô hình khu kinh tế mở của Trung Quốc như Thẩm Quyến, Hạ Môn...

Khu Kinh tế mở Chu Lai từng rất được kỳ vọng về một không gian kinh tế riêng biệt, có thể áp dụng những cơ chế chính sách đặc thù, tạo bước đột phá cho khu vực miền Trung và toàn quốc. Tính đến thời điểm này, Khu kinh tế mở Chu Lai có tổng cộng 112 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1,511 tỷ USD, trong đó có 75 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 969,2 triệu USD.

Nhưng, ngoài tổ hợp cơ khí ôtô Trường Hải đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Quảng Nam, các dự án khác chưa có đóng góp nhiều cho địa phương này. Về tính lan tỏa để kéo sự phát triển cho các tỉnh miền Trung, hầu như cũng chưa được là bao nhiêu.

Vẫn nhìn về quá khứ, 15 năm trước, ý tưởng “Con đường di sản miền Trung” được hình thành và tạo nên những phép mầu về du lịch cùng khát vọng sẽ sớm trở thành thương hiệu nổi tiếng như Con đường lãng mạn (Đức), Con đường lịch sử Kansai (Nhật), Con đường rượu vang (Pháp)...

Nhưng rồi, con đường di sản này cũng theo năm tháng mà phôi pha... Miền Trung đã từng có nhiều giấc mơ rực rỡ nhưng dang dở và mảnh đất thắt đáy lưng ong giữa hai miền Nam, Bắc này, trong nhiều năm qua, chưa từng ngơi nghỉ trong việc tìm lại giấc mơ xưa.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều niềm lạc quan ở nơi này. Như tại khu kinh tế mở Chu Lai, theo Quyết định của Thủ tướng, có hiệu lực từ ngày 5/9/2017, Khu kinh tế mở Chu Lai được mở rộng về cả 2 hướng Tây và Bắc, điều chỉnh từ 16 xã, phường, thị trấn trước đây, thành 20 xã, phường, thị trấn. Khu phi thuế quan cũng điều chỉnh bố trí tại xã Tam Quang và một phần xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) có quy mô 1.012 ha, gắn với sân bay Chu Lai.

Đặc biệt, đặc khu tương lai Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đang thổi bùng lên khát vọng phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực miền Trung. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế, phí và 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất từ đặc khu Bắc Vân Phong. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030; mức thu nhập bình quân đầu người ở đây cũng đạt khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030. Tới năm 2030, Bắc Vân Phong tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân là 9.000 USD/năm.

Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 đã ghi nhận sự hăng hái của các diễn giả trong việc đi tìm nhạc trưởng cho miền Trung. Hiển nhiên, cuộc tìm kiếm đó bất thành. Dự đoán trong Diễn đàn Kinh tế miền Trung được tổ chức vào 25/9 tới đây, công cuộc này tiếp tục được khơi lại và hứa hẹn sẽ mang đến một kết cục có hậu hơn.

Được biết, tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với một số cơ quan tổ chức vào năm 2014, đã trả lời được câu hỏi rằng, nhắc đến miền Trung, người ta nghĩ ngay đến từ nghèo! Vậy, thực sự tiềm năng của miền Trung đến đâu và có thể bứt phá được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể bứt phá.

Như ý kiến của TS. Vũ Ngọc Hoàng, thời điểm đó đang là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ cần đi đúng đường, đi theo lợi thế riêng có, lợi thế đặc thù, lợi thế so sánh của mình, đừng đâm đầu vào chỗ khó là sẽ có bứt phá. Ông Hoàng dẫn chứng ra việc một trong những hướng đi lâu nay của các tỉnh miền Trung vẫn là nông nghiệp mà ngành này quá phụ thuộc vào thời tiết.

Với những bất lợi về thời tiết ở miền Trung, cứ bỏ ra 100 đồng, sản xuất một thời gian thì thu về 92 đồng, mất đi 8 đồng, thì làm sao có thể mở rộng sản xuất được? Trong khi miền Trung có lợi thế về biển, nhưng lâu nay chỉ khai thác gần bờ. Có lợi thế du lịch có thể phát triển một trăm lần nữa, nhưng vẫn chưa làm “đến nơi đến chốn”...