Miếng thịt bò Vanuatu
Câu chuyện khởi nguồn nuôi bò thịt ở Vanuatu - đảo quốc nhỏ bé vùng Nam Thái Bình Dương - mang lý do vô cùng đơn giản
Nói đến Vanuatu, một đảo quốc nhỏ bé vùng Nam Thái Bình Dương dễ khiến liên tưởng đến những đồn điền dừa bạt ngàn có từ trăm năm nay, nhưng cũng nhắc ngay đến đảo quốc đang sở hữu món thịt bò được đánh giá ngon nhất thế giới.
Câu chuyện khởi nguồn nuôi bò thịt ở Vanuatu mang lý do vô cùng đơn giản. Những đồn điền dừa rộng lớn trước kia thường bị cỏ mọc phủ cao kín quanh gốc dừa, khi khai thác dừa rụng rất tốn công vạch cỏ thu gom dừa và rất dễ bỏ sót.
Làm cỏ sạch cả trang trại dừa thì không xuể. Một chủ đồn điền nhập vài con bò nuôi để chúng ăn cỏ thiên nhiên trong đồn điền, từ đó sinh sôi nảy nở. Độ cao của cỏ trong đồn điền dần bị hạ thấp do đàn bò, việc thu hoạch dừa dễ dàng hơn.
Cũng từ đó, giới đồn điền nghiệm ra rằng thịt bò ở đây có độ mềm, vị thơm ngọt, ngon một cách kỳ lạ so với các loại thịt bò nhập từ những nước khác.
Nghề nuôi bò gắn với các chủ đồn điền dừa có đồng cỏ thiên nhiên từ đó. Đến năm 1970, nguồn cỏ trên trang trại giảm dần, giới chủ đồn điền mới chuyển sang trồng cỏ phục vụ cho mục đích nuôi bò.
Một hecta hai con bò
Đi khắp Vanuatu đâu đâu cũng thấy những đồng cỏ trải dài tít tắp, xanh tốt quanh năm, vô cùng thuận lợi cho việc nuôi bò. Nghe câu chuyện nuôi bò, một chủ đồn điền đưa lên trang trại xem đàn bò 3.000 con đang thả rông trong đồng cỏ diện tích lên đến 1.500 hecta.
Chiếc xe bán tải đi vào trang trại, chạy loanh quanh mất gần cả giờ đồng hồ mới tìm được đàn bò đang nhởn nhơ nhai cỏ. Cả một màu xanh trải dài, cỏ ngập quá đầu gối.
Chủ nhân trang trại cho biết đây là loại cỏ được trồng từ hơn 30 năm trước, cả trang trại của ông được chia ra thành từng khu vực nhỏ bao bọc bằng rào kẽm gai. Mỗi khu vực rộng trung bình 100 hecta và đàn bò được thả rông ăn cỏ hết khu vực này lại được lùa sang khu vực kế cận.
Việc chăn bò không lấy gì nặng nhọc, chủ yếu lùa sang đúng khu vực cỏ tươi tốt rồi bỏ đó vài ngày, hoặc vài tuần đến khi lớp cỏ vơi đi mới đến lùa bò sang nơi khác để dưỡng cỏ.
Các trang trại bò đều thả rông theo hình thức như thế, không phải làm chuồng trại. Bò tự do sống trong không gian mênh mông đồng cỏ, nguồn nước có sẵn là những dòng suối. Khu vực nào ở vùng đất cao, không có nước tự nhiên được thiết kế các máng nước máy để sẵn cho bò uống thật tiện lợi và đơn giản.
Với quỹ đất hiện nay ở Vanuatu, người ta tính bình quân nuôi 4,5 con bò trong một hecta đồng cỏ. Nhưng số bò chưa đủ phủ hết quỹ đất các trang trại nên số lượng đất nuôi bò bao giờ cũng lớn hơn, khoảng 2 con/ha. Khí hậu quanh năm mát mẻ, chỉ vào khỏang 250C là điều kiện rất thuận lợi cho việc chăn thả rông.
Để chăn đàn bò 3.000 con của mình, ông chủ trang trại chỉ cần đến hai thanh niên cưỡi ngựa làm công việc lùa bò. Những người này sinh sống luôn trên đồng cỏ. Họ được cất cho những lán nhà trên nông trại, trồng ít hoa màu, tự lo lấy cái ăn và hưởng lương mỗi tháng 200 USD. So với những lao động phổ thông khác trên đất nước Vanuatu, xem ra nghề nuôi bò khá nhàn hạ.
Trong đồng cỏ, thông thường người chăn nuôi thả một con bò đực cùng chung với 20 bò cái, chín tháng sau sẽ có một lứa bò con ra đời. Bò cái mới sinh chỉ 21 ngày sau lại có thể giao phối tiếp tục sinh sản. Những con bò giống có tuổi thọ từ 30 - 40 năm.
Bò nuôi ba năm xuất chuồng, mỗi con bò xả thịt chỉ lấy da, thịt, xương, tim và gan, còn lại bỏ hết, trọng lượng trung bình khi một con bò được xả thịt xong từ 350 - 400kg, sau đó xuất đi các vùng lân cận như New Caledonia, Solomon, Fiji, Nhật Bản.
Có những đảo quốc nhỏ lân cận Vanuatu như Solomon lại không có thịt bò, chính vì vậy nguồn cung cấp thịt bò ra bao nhiêu đều được các công ty và người buôn bán ở Solomon đặt mua trước. Cả đàn bò Vanuatu không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Đất đai màu mỡ, đồng cỏ mênh mông nhưng không hiểu sao lượng người nuôi bò lại không nhiều. Hiện ở Vanuatu người nuôi bò nhiều nhất là một chủ đồn điền người Úc có trang trại rộng 22.000 hecta và đàn bò 7.000 con.
Chủ nhân của trang trại có đàn bò 3.000 con cho biết mỗi năm ông cho xuất chuồng tối đa cũng chỉ khoảng 700 - 900 con bò. Trong khi nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài cần khá nhiều.
Những vị khách du lịch đến từ New Caledonia và các đảo lân cận mỗi khi trở về cũng thường mua thịt bò Vanuatu làm quà. Trên mỗi chuyến bay, hành khách rời Vanuatu được phép mang mỗi người 5kg thịt bò.
Rẻ như… thịt bò
Ở Vanuatu, để sở hữu một ký thịt bò ngon nhất thế giới nếu cân sống nguyên con (bò hơi) có giá 1,2 USD, nếu xả thịt tính cả xương và thịt giá 2,4 USD, một mức giá quá hấp dẫn với những nước khan hiếm thịt bò. Có diện tích đồng cỏ bao la, người nuôi bò ở Vanuatu cũng không nhiều trong khi miếng thịt bò được đánh giá là ngon nhất thế giới.
Có thể nói nhờ vào thổ nhưỡng, khí hậu, và nhất là việc chăn thả hoàn toàn tự nhiên, đồng cỏ không nhiễm chút phân bón hoá học nên thịt bò Vanuatu có vị ngon đặc biệt, chế biến món gì cũng ngon.
Ấn tượng khi ăn thịt bò Vanuatu là độ mềm đến bất ngờ của thịt. Nhiều nhà hàng dùng thịt tươi ướp lạnh, đem cắt bằng máy, từng thớ thịt mỏng tang, đỏ màu tươi rói dùng chế biến món thịt bò sống ăn với nước xốt ngon ngọt đến tuyệt vời.
Trong tổng số 83 đảo nhỏ của nước Cộng hoà Vanuatu, chỉ có hai đảo Santo và Efate tập trung nhiều trang trại nuôi bò nhất. Trọng lượng thu được của mỗi con bò trên hai đảo này cũng khác, bò nuôi ở Santo có trọng lượng kém hơn ở đảo Efate. Cứ hai con bò nuôi ở Santo bằng một con nuôi ở Efate.
Bò nuôi ở Efate chưa đến ba năm to như bò mộng, với trọng lượng trên 500kg, nhờ vào đồng cỏ được trồng từ cách đây trên 30 năm, cỏ dày và xanh tốt tạo ra nguồn thức ăn dồi dào, phong phú và luôn ổn định, nhờ vậy trọng lượng mỗi con bò luôn đạt mức tối đa.
Giá thịt bò so ra quá rẻ, nhưng chi phí mổ một con bò lại khá đắt. Đem cân cả con bò, chi phí mổ mỗi con sẽ tính theo tỷ lệ trung bình từ 30 - 40 cent/kg. Một con bò vừa tầm, riêng tiền mổ cũng hết 120 USD.
Cả đảo Efate rộng lớn của Vanuatu chỉ có một lò mổ bò, lò mổ này kiêm luôn việc kiểm định chất lượng sản phẩm, phân từng loại thịt xuất đi nước ngoài hoặc bán ra thị trường trong nước