16:06 10/05/2010

Mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính

Nguyên Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự án Luật Tố tụng hành chính trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lo tòa án "quá tải" - Ảnh:Chinhphu.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lo tòa án "quá tải" - Ảnh:Chinhphu.vn
Tổ chức, cá nhân khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện ngay vụ án hành chính tại tòa án.

Ủy ban Tư pháp cho rằng cần quy định như vậy để mở rộng quyền khởi kiện tại tòa án của tổ chức, cá nhân, giảm bớt áp lực cho các  cơ quan hành chính Nhà nước, khi thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính.

Đây cũng là quan điểm của Chính phủ khi cho ý kiến về dự án luật này, Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba cho biết.

Tiếp tục phiên họp thứ 31, sáng 10/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự án luật này trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Tờ trình dự án luật của Tòa án Nhân dân tối cao nêu rõ, ở Việt Nam hiện nay chưa có Luật Tố tụng hành chính mà mới chỉ có Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, các quy định tại pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập.

Việc ban hành Luật Tố tụng hành chính là hết sức cần thiết, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Dự án luật gồm 13 chương, 163 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, trình tự, thủ tục khởi kiện và giải quyết các vụ án hành chính; thi hành án hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, tổ chức, có liên quan.

Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi và còn nhiều ý kiến trái chiều là điều kiện khởi kiện vụ án hành chính. Bên cạnh các ý kiến cùng quan điểm như của Ủy ban Tư pháp nêu trên, loại ý kiến khác tại ban soạn thảo cho rằng  cần quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 43 của Luật Khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án.

Đa số thành viên ban soạn thảo thống nhất, đối với một số loại việc có tính chuyên môn cao (như: các quyết định hành chính trong lĩnh vực về thuế, sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai và các lĩnh vực khác được luật chuyên ngành quy định) thì nên để các cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại trước khi cho phép khởi kiện ra toà án.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận và một số ý kiến khác nghiêng về quan điểm của ban soạn thảo và e ngại tòa án không thể đảm đương hết công việc nếu như quyền khởi kiện vụ án hành chính được mở rộng như quan điểm của Ủy ban Tư pháp.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng băn khoăn vì “khối lượng công việc đặt lên vai tòa rất lớn”, trong khi điều kiện bộ máy chính sách… hoàn toàn bất cập. Tuy nhiên vị đại biểu này cũng “trấn an” ngành tòa án “không cần phải lo” vì số vụ khởi kiện ra tòa có thể “đếm trên đầu ngón tay” vì theo quy định hiện nay thì người dân không dễ khởi kiện.

Hơn nữa, thẩm phán tòa án cấp huyện có mấy ai dám xử ông chủ tịch huyện quyết định sai, cấp tỉnh cũng vậy. Bởi nhiều yếu tố ràng buộc khiến họ không “mạnh tay” mà chủ yếu là “đẩy” lên tòa án cấp trên giải quyết, ông Vượng nói.

Kiên trì quan điểm phải mở rộng thẩm quyền cho dân khi tham gia khiếu kiện hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng dự án luật phải giải quyết được sự mâu thuẫn giữa luật tố cáo và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Vì hiện nay nếu các cơ quan hành chính không ra quyết định giải quyết mà chỉ ra thông báo thì dân không thể kiện ra tòa được.

Vị chủ nhiệm Ủy ban này cũng cho rằng không thể vin vào lý do tòa án quá tải vì “quá tải hay không là do chúng ta”. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì vẫn có nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, dân vẫn bức xúc. Không thể để tình trạng nhân dân thì phải chấp hành pháp luật nghiêm túc còn người đứng đầu một số cơ quan hành chính nhà nước thì không gương mẫu chấp hành pháp luật được, bà Thu Ba nói.

Một nội dung cũng còn nhiều ý kiến khác nhau là  thời hiệu khởi kiện. Cơ quan thẩm tra tán thành với loại ý kiến thứ ba của ban soạn thảo là quy định thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại và các trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau. Vì quy  định cụ thể là 2 năm hoặc 90 ngày như hai loại ý kiến khác không phù hợp với sự đa dạng của các khiếu kiện hành chính.

Liên quan đến quyền kháng nghị, Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo luật cần có hướng xử lý đối với trường hợp hết thời hiệu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện sai lầm nghiêm trọng của bản án, quyết định hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao nhưng phát hiện ra các sai sót cần phải được khắc phục.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình thay mặt cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh dự án Luật khi trình Quốc hội. Ông Bình cũng cho biết sẽ đề xuất sửa một số luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo... cho tương thích với dự án luật này.

Kết thúc phiên họp Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy tới đây. Đồng thời yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật đúng tiến độ.