MobiFone và bước "quá độ" lên tập đoàn
Chủ tịch MobiFone, ông Mai Văn Bình cho biết, trong bước quá độ lên tập đoàn thì mô hình tổng công ty là hợp lý nhất
Bộ chủ quản Thông tin và Truyền thông vừa chính thức trình Chính phủ mô hình tổ chức và đổi tên Công ty Thông tin di động thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Trước đó, chia sẻ thông tin với một số báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng cho biết, việc hình thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone để thực hiện Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để nhằm đảm bảo có từ 3 - 4 tổng công ty viễn thông mạnh, hình thành thế chân vạc trên thị trường viễn thông.
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, ông Mai Văn Bình, Chủ tịch MobiFone cho biết, hiện nay, mô hình hoạt động của MobiFone thực chất về quy mô, công nghệ, điều kiện cũng đã là một tổng công ty.
Bởi, theo ông, điều kiện Chính phủ quy định là muốn hình thành tổng công ty thì vốn điều lệ phải là 1.800 tỷ đồng, tuy nhiên, MobiFone đã gấp gần 10 lần, với số vốn điều lệ lên tới 12.600 tỷ đồng, cùng với quy mô toàn quốc, tính chất ngành nghề và tính chất công nghệ, như vậy MobiFone hoàn toàn hoạt động như một tổng công ty mạnh.
Việc điều chỉnh tên để đáp ứng cho mô hình hoạt động của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho MobiFone có thể phát triển, cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn viễn thông khác trong nước.
Chủ tịch MobiFone cho rằng, một công ty trách nhiệm hữu hạn không thể cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn được, cho nên, bản thân doanh nghiệp phải tự mình xây dựng lớn lên rồi cũng phải trở thành như các tập đoàn viễn thông khác (như VNPT và Viettel). Trong bước quá độ lên tập đoàn thì mô hình tổng công ty là hợp lý nhất, sau đó MobiFone cũng phát triển lên tập đoàn để cạnh tranh.
Theo ông Bình, thời gian quá độ để lên tập đoàn là tùy theo thực tế của quá trình hoạt động của doanh nghiệp, và việc lên tập đoàn không phải để cho oai mà vấn đề là xem bản chất hoạt động bên trong có đúng như một tập đoàn hay không, vì thế phải xây dựng bản thân bên trong là chính.
“Điều đó cũng như việc, MobiFone không phải muốn đổi tên thành tổng công ty cho oai mà bản chất hoạt động hiện nay của MobiFone là có điều kiện, có quy mô và tầm hoạt động còn hơn rất nhiều tổng công ty nên hoàn toàn cần thiết phải đổi thành tổng công ty cho hợp lý”, ông nói.
Ông Bình cũng cho rằng, giá trị doanh nghiệp mà nhà đầu tư chiến lược nhìn vào công ty không đơn thuần chỉ ở tên công ty hay hình thức công ty, mà họ xem nội dung bên trong của công ty gồm hai nội dung là tài chính thì hiện báo cáo tài chính minh bạch và có hiệu quả cao, và thứ hai là cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp đó hợp lý, khoa học, có xu thế phát triển tốt trong tương lai. Đó mới là điều tạo ra giá trị, tạo ra thương hiệu cho MobiFone.
Về cổ phần hóa MobiFone, chia sẻ với báo chí, ông Lê Nam Thắng cho biết, các điều kiện để cổ phần hóa MobiFone đang rất thuận lợi như doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nhiều đối tác nước ngoài, trong nước quan tâm, Nhà nước cũng rất ủng hộ về chủ trương...
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi đã gia nhập WTO và tham gia các Hiệp định thương mại như TPP thì quá trình cổ phần hóa sẽ phải tiến hành minh bạch, rõ ràng, các doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% cổ phần VMS, ngoài ra chắc chắn cũng sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.