Một ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng gần 58% trong bối cảnh tín dụng suy giảm
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của PGBank vừa thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với 2023, dù năm nay được cho là cầu tín dụng vẫn đình trệ...
Lãnh đạo PGBank cho biết kế hoạch đầy tham vọng trên được đặt ra trong bối cảnh ngân hàng chuyển đổi mạnh mẽ toàn diện, tập trung đầu tư số hóa hoạt động ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi công cụ lao động tốt hơn và chuyển đến những địa điểm thuận lợi hơn cho khách hàng. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết năm 2024 sẽ là năm bản lề để PGBank thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, chuyển đổi trong mọi mặt hoạt động.
Tại Đại hội, cổ đông thông qua các Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát năm 2023 và kế hoạch năm 2024. Đồng thời thông qua việc sửa đổi các quy chế, điều lệ và các nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Theo đó, với nội dung điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của PGBank, sau khi Hội đồng quản trị PGBank báo cáo tình hình tăng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/10/2023, Hội đồng quản trị trình cổ đông thông qua việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ 2023. Cụ thể, tiếp tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng tại phương án tăng vốn điều lệ 2023. Đồng thời, điều chỉnh tỷ lệ chào bán và tỷ lệ thực hiện quyền mua cổ phiếu của cổ đông hiện hữu tại phương án tăng vốn điều lệ 2023.
Trước đó, vào ngày 12/4, PGBank hoàn tất phát hành 120 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
Dự kiến sau khi hoàn thành tăng vốn theo phương án được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 phê duyệt, vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, PGBank dự kiến tổng doanh thu thuần kỳ vọng đạt mức 2.086 tỷ đồng, tăng gần 49,7% so với thực hiện năm 2023. Chi phí hoạt động và dự phòng được dự báo tăng thêm 46,9%, lên 1.532 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của PGBank dự kiến đạt 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với 2023.
Đến cuối năm 2024, tổng tài sản PGBank dự kiến tăng lên 63.503 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ tín dụng dự báo tăng 12,9% lên 40.476 tỷ đồng, huy động dự kiến đạt 56.530 tỷ đồng, tăng 13,5%.
Tại Đại hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã có các ý kiến chỉ đạo sát sao đối với hoạt động của PGBank bởi đây là ngân hàng trong diện tái cơ cấu. Đại hội đồng cổ đông cũng đã nhất trí thông qua các báo cáo của Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát và Ban điều hành. Đồng thời đã thông qua các tờ trình: Báo cáo tài chính kiểm toán và trích lập các quỹ, phân chia lợi nhuận năm 2023; Quyết toán mức thù lao, lương, thưởng, chi phí hoạt động và các lợi ích khác của Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát năm 2023 và thông qua mức thù lao, thưởng, các lợi ích khác và ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị, ban kiểm soát năm 2024; Kế hoạch tài chính năm 2024; Điều lệ và các Quy chế nội bộ về quản trị ngân hàng, Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, ban kiểm soát; điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ; và vấn đề nhân sự.
Ngày 19/4, PGBank đã thông báo về việc bà Đinh Thị Huyền Thanh, Tổng giám đốc có đơn xin từ nhiệm từ ngày 25/4 vì nguyện vọng cá nhân.
Trước bà Thanh, 2 lãnh đạo của PGBank cũng vừa có đơn từ nhiệm là ông Nguyễn Thành Lâm, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập và ông Nguyễn Thành Tô, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối cân đối và kinh doanh nguồn vốn. Trong đơn từ nhiệm ông Tô cho biết đã làm việc tại PGBank 14 năm 10 tháng và muốn được thôi việc từ ngày 21/5/2024 vì “lý do cá nhân”.