Một thương hiệu xa xỉ nổi tiếng bị toà án quản lý về tình trạng lạm dụng lao động
Mới đây, chi nhánh tại Ý của ông lớn hàng xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH, Dior Manufactures SRL, đã trở thành công ty thời trang thứ ba bị tòa án Milan đưa vào diện quản lý đặc biệt trong năm nay.
VƯỚNG "BÊ BỐI" VÌ LẠM DỤNG LAO ĐỘNG
Dior Manufactures SRL, chi nhánh con của Dior tại Ý phụ trách sản xuất túi xách thương hiệu Dior, đã bị đưa vào diện quản lý đặc biệt sau khi tòa án Milan, Ý mở cuộc điều tra cáo buộc công ty này đã ký hợp đồng gia công với các công ty Trung Quốc đối xử bất công với công nhân. Đây là quyết định thứ ba như vậy trong năm nay của bộ phận phụ trách các biện pháp phòng ngừa tại toà án Milan. Trước đó, tòa án Milan cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự đối với một đơn vị thuộc tập đoàn Giorgio Armani của Ý và nhà sản xuất đồ da nổi tiếng thế giới Alviero Martini. Các cuộc điều tra chuỗi cung ứng trong năm nay đã phát hiện ra những xưởng may bóc lột sức lao động ở khu vực gần Milan, nơi công nhân, thường là những người nhập cư bất hợp pháp, ăn và ngủ ngay tại xưởng, đôi khi phải làm việc xuyên đêm và cả các ngày lễ.
Cuộc điều tra tại Dior tập trung vào bốn nhà cung cấp nhỏ với tổng cộng 32 nhân công làm việc tại khu vực xung quanh Milan. Trong số đó, hai người nhập cư bất hợp pháp và bảy người khác làm việc không có giấy tờ hợp lệ. Điều kiện làm việc tồi tệ và sử dụng lao động bất hợp pháp là những yếu tố then chốt khiến các nhà điều tra chú ý đến các nhà cung cấp này.
Trong bản tố cáo dài 34 trang, các thẩm phán cho biết công nhân bị buộc phải ngủ tại nơi làm việc để đảm bảo "có nhân công phục vụ 24 giờ một ngày". Dữ liệu lập bản đồ về tiêu thụ điện cho thấy "chu kỳ sản xuất ngày đêm liền mạch, bao gồm cả các ngày nghỉ lễ". Ngoài ra, theo tài liệu, các thiết bị an toàn đã bị gỡ bỏ khỏi máy móc để chúng hoạt động nhanh hơn. Các công tố viên Milan cáo buộc rằng bằng cách bắt một số nhân viên làm việc bất hợp pháp 15 tiếng/ngày, một nhà cung cấp do Trung Quốc sở hữu có thể tính phí cho Dior chỉ 53 euro cho một chiếc túi xách được bán lẻ với giá 2.600 euro.
Phán quyết cũng nêu rõ chi nhánh này của Dior đã không áp dụng "các biện pháp thích hợp để kiểm tra điều kiện làm việc thực tế hoặc năng lực kỹ thuật của các công ty ký hợp đồng", đồng thời không thực hiện các cuộc kiểm toán định kỳ đối với các nhà cung cấp của mình trong nhiều năm qua. Các chủ sở hữu của các công ty ký hợp đồng và gia công sản xuất túi xách Dior đang bị các công tố viên Milan điều tra về tội bóc lột sức lao động và sử dụng lao động chui, nhưng trong khi đó Dior và LVMH không phải đối mặt với bất kỳ cuộc điều tra hình sự nào. LVMH chưa phản hồi lại các yêu cầu đưa ra bình luận về sự việc này.
Ngoài cuộc điều tra của Dior, vào tháng 4 năm nay, các công tố viên Milan còn tiến hành điều tra tương tự đối với một công ty thuộc sở hữu của Giorgio Armani. Tòa án đã chỉ định một ủy viên hội đồng quản trị để tham gia điều hành một công ty thuộc sở hữu của tập đoàn thời trang Giorgio Armani do cáo buộc tập đoàn này "thiếu trách nhiệm" trong việc giám sát các nhà cung cấp. Theo các tài liệu được tờ Reuters thu thập, các nhà thầu phụ của Armani đã trả cho công nhân 2-3 euro một giờ cho 10 giờ làm việc mỗi ngày để sản xuất những chiếc túi xách được bán cho các nhà cung cấp của Armani với giá 93 euro, sau đó được bán lại cho Armani với giá 250 euro và cuối cùng lên tới 1.800 euro tại các cửa hàng.
Điều này cho thấy sự chênh lệch giá thành khổng lồ giữa giá nhân công trả cho người lao động và giá bán lẻ cuối cùng của sản phẩm. Tập đoàn Armani cho biết họ "luôn nỗ lực giảm thiểu các vi phạm trong chuỗi cung ứng" nhưng hiện tại chưa đưa ra phản hồi gì thêm về cuộc điều tra.
Tòa án Milan đã ra lệnh đưa Dior Manufactures SRL, thuộc sở hữu hoàn toàn của Christian Dior Italia SRL, vào diện quản lý đặc biệt trong thời gian một năm, theo tài liệu mà Reuters được chứng kiến. Công ty vẫn sẽ được tiếp tục hoạt động trong giai đoạn này.
Tài liệu của tòa án từ ngày 10 tháng 6 cho thấy các công tố viên cáo buộc đây không phải là vi phạm một lần của các công ty thời trang có năng lực sản xuất tại Italy, mà là vấn đề mang tính hệ thống do xu hướng chạy theo lợi nhuận cao nhất có thể. "Đây không phải là vấn đề lặt vặt liên quan đến các lô sản xuất đơn lẻ, mà là phương thức sản xuất được áp dụng rộng rãi và có tính lâu dài", tài liệu nêu rõ.
THỰC TRẠNG ĐÁNG BUỒN VỀ BÓC LỘT SỨC LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH THỜI TRANG XA XỈ
Ý là quốc gia sản xuất hàng đầu về mặt hàng xa xỉ, chiếm một nửa sản lượng trên toàn cầu. Các công tố viên Milan đã dành cả thập kỷ để điều tra các điều kiện làm việc bất hợp pháp trong các ngành như hậu cần và dịch vụ vệ sinh. Họ cũng đã điều tra các công ty cung cấp nhân lực sử dụng lao động bất hợp pháp, trốn thuế và các khoản đóng góp phúc lợi, hưu trí nhằm giảm chi phí sản xuất hàng hoá cho các công ty là chủ thuê trong thời gian dài. Các cuộc điều tra trước đây thường tập trung vào các lĩnh vực như hậu cần, vận tải và dịch vụ vệ sinh, nơi công nhân được cung cấp bởi các công ty được thành lập và giải thể vài năm một lần.
Những năm gần đây, các vụ bê bối về điều kiện làm việc vô nhân đạo trong ngành thời trang, đặc biệt là tại các nhà máy ở các nước đang phát triển đã liên tục bị phát hiện và lan truyền rộng rãi. Điều này gây lên làn sóng phản đối vô cùng gay gắt trên mạng xã hội, làm gia tăng rủi ro về danh tiếng cho các thương hiệu, buộc nhiều thương hiệu xa xỉ phải đưa một phần sản xuất trở lại nội bộ và giảm số lượng nhà thầu phụ. Theo tài liệu của tòa án Milan, các cuộc điều tra chuỗi cung ứng hàng xa xỉ cho thấy trong một số trường hợp, không có hợp đồng chính thức giữa thương hiệu và nhà cung cấp, trong khi những trường hợp khác, một công ty đóng vai trò trung gian che giấu nhà sản xuất thực sự.
Những điều tra này cho thấy nỗ lực của chính quyền Ý trong việc giải quyết vấn đề bóc lột sức lao động, đặc biệt là trong ngành thời trang xa xỉ vốn nổi tiếng với sự hào nhoáng.