Mua cổ phiếu quỹ: Coi chừng “nhờn thuốc”
Hiệu quả của việc mua cổ phiếu quỹ vẫn chưa thực sự rõ nét. Doanh nghiệp có nên phung phí tiền mặt trong bối cảnh lãi suất đang "ngất ngưởng"?
Trong xu hướng sụt giảm mạnh của thị trường, khá nhiều doanh nghiệp niêm yết quyết định mua vào cổ phiếu quỹ với mục tiêu bình ổn giá. Tuy nhiên hiệu quả thực sự của hành động đó đến đâu vẫn chưa có câu trả lời.
Theo thông tin mới nhất từ HOSE ngày 22/11, thêm một doanh nghiệp nữa đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ là LBM. Theo đó công ty này sẽ mua vào 200.000 cổ phiếu quỹ với giá mua không quá 12.000 đồng/cổ phiếu. Giá LBM hiện đang ở mức 10.200 đồng/cổ phiếu. Trước đó hàng loạt công ty khác cũng quyết định mua vào cổ phiếu quỹ nhằm mục đích bình ổn giá.TS4 cuối tuần qua cũng cho biết sẽ mua vào 1 triệu cổ phiếu quỹ.
“Chiêu” mua vào cổ phiếu quỹ được áp dụng nhiều từ năm 2008 khi khủng hoảng lan rộng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông các doanh nghiệp khi quyết định mua vào cổ phiếu quỹ trong bối cảnh như vậy đều khẳng định mục đích là nhằm bình ổn giá vì thị giá trên sàn đã xuống dưới giá trị của doanh nghiệp, thường là dưới giá trị sổ sách.
Tuy nhiên qua vài năm “sử dụng”, số đông nhà đầu tư đã tỏ ra “nhờ” với liều thuốc này. Những “hiệu ứng phụ” xấu nhất là giá cổ phiếu không được cải thiện bao nhiêu, thậm chí nhiều doanh nghiệp sau đó cho biết chỉ mua được với khối lượng thấp vì giá không thuận lợi.
Chẳng hạn DIG ngày 19/11 thông báo chỉ mua được 171.550 cổ phiếu trong tổng số 3 triệu đăng ký. Thời gian mua là từ 7/9 đến 7/11/2010. Như vậy tỉ lệ mua vào chưa tới 6% số lượng dự kiến. Nguyên nhân không mua hết là “thị trường diễn biến không thuận lợi”.
Trong thời gian giao dịch trên, DIG giảm giá gần 13%, từ mức 48.700 đồng/cổ phiếu xuống 41.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy đáng lẽ giá sụt giảm là cơ hội rất thuận lợi cho người mua vì có thể mua được giá tốt, cung hàng nhiều, không phải đua lệnh. Thông điệp đằng sau lý do “thị trường diễn biến không thuận lợi” nói trên có lẽ cần được hiểu là đà giảm của thị trường mạnh quá, mua lúc này thì doanh nghiệp thiệt, không đạt được mục đích bình ổn giá.
Đó cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư coi việc doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu quỹ chỉ là “đòn gió” giải quyết khâu tâm lý. Nếu giá cổ phiếu đang giảm dưới giá trị thực của doanh nghiệp mà chính doanh nghiệp còn không đủ tự tin để mua vào thì làm sao nhà đầu tư tin tưởng được?
Thực tế việc mua vào cổ phiếu quỹ không phải lúc nào cũng có thể bình ổn được giá. Ngoài hiệu ứng tâm lý, nhiều vấn đề kỹ thuật khác khiến lực cầu thực sự từ việc mua vào cổ phiếu quỹ khó thay đổi được cục diện.
Thứ nhất, rất nhiều doanh nghiệp chỉ đăng ký mua vào khối lượng quá nhỏ so với lượng lưu hành trôi nổi bên ngoài. Thậm chí, khối lượng mua nhiều lúc chỉ nhỉnh hơn thanh khoản hàng ngày chút ít. Với lực cầu như “muối bỏ biển” thì việc mua vào thậm chí hiệu ứng tâm lý còn đáng ngờ chứ chưa nói đến mục tiêu bình ổn giá.
Thứ hai, các quy định về giao dịch hiện tại không cho phép hoạt động mua vào cổ phiếu quỹ có tác dụng giữ giá nhiều. Chẳng hạn tại HOSE mỗi ngày giao dịch, tổ chức niêm yết giao dịch cổ phiếu quỹ chỉ được phép đặt lệnh mua/bán cổ phiếu quỹ với khối lượng tối thiểu bằng 3% và khối lượng tối đa bằng 5% khối lượng xin phép. Trường hợp mua lại, khối lượng mua không được vượt quá 10% khối lượng giao dịch của cổ phiếu đó trong ngày giao dịch liền trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch. Giá mua lại trong ngày giao dịch cũng không được lớn hơn giá tham chiếu cộng ba đơn vị yết giá...
Nói chung các quy định giao dịch cổ phiếu quỹ được thiết kế để hạn chế ý đồ “thổi giá” của doanh nghiệp niêm yết thông qua việc mua lại. Điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp sẽ bị động trong việc mua. Đa số trường hợp nếu doanh nghiệp nhiệt tình mua thực sự thì sẽ mua hết và giá không tăng lên được bao nhiều. Ngược lại, doanh nghiệp chơi “đòn gió” thì cứ treo giá thấp và khớp được bao nhiêu thì khớp cho đến hết thời gian đăng ký.
Thị trường đã từng chứng kiến việc mua lại tới vài chục triệu STB sau khi có tin cổ đông lớn thoái vốn. Với tiềm lực mua mạnh như vậy mà STB cũng không cải thiện giá được bao nhiêu. Trong bối cảnh thị trường sụt giảm thành xu hướng rõ ràng, các hoạt động đỡ giá đều không hiệu quả ở các cổ phiếu riêng lẻ.
Ngoài việc mua cổ phiếu quỹ để giữ giá, nghiệp vụ này còn nhằm nhiều mục đích khác như thu hẹp hoạt động, làm đẹp chỉ số, thưởng cho người lao động... Tuy nhiên đa phần các giao dịch mua lại gần đây là nhằm giữ giá.
Như vậy doanh nghiệp phải chấp nhận một sự đánh đổi và bản thân các cổ đông cũng không vui vẻ gì nếu hiệu quả không đi đến đâu.
Trong bối cảnh lãi suất đang cao, doanh nghiệp “phung phí” tiền mặt vào hoạt động mua cổ phiếu quỹ mà chưa rõ liệu có giữ giá cổ phiếu cho đến lúc thị trường ấm lại hay không. Dĩ nhiên để được mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp phải đáp ứng được một số quy định. Nhưng so sánh hiệu quả thực tế từ việc tăng lượng cổ phiếu quỹ với việc dùng tiền mặt cho các hoạt động sinh lời khác là điều cần cân nhắc.
Các nguồn vốn mua cổ phiếu quỹ có thể là vốn nhàn rỗi tại một thời điểm, nhưng để an toàn, cần nhìn vào khả năng thanh khoản chung của doanh nghiệp đó. Chẳng hạn các khoản nợ tới hạn, rủi ro nợ khó đòi hay bỏ lỡ cơ hội đầu tư mới vào sản xuất kinh doanh. Dòng tiền mặt kém, sản xuất kinh doanh sụt giảm mà doanh nghiệp lao vào giữ giá cổ phiếu, đánh bóng chỉ số tài chính thì rủi ro càng cao. Dĩ nhiên cũng đã có trường hợp doanh nghiệp đầu tư khá tốt vào cổ phiếu quỹ, mua lúc giá giảm và bán lúc giá cao thu về thặng dư, nhưng hoạt động đầu tư tài chính như vậy cũng đi kèm với rủi ro.