Mua sắm online cứu nguy ngành bán lẻ
Trong khoảng một năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến thị trường nhà mặt phố cho thuê và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, thị trường này vẫn ghi nhận những điểm sáng đến từ ngành thương mại điện tử, kinh doanh mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi...
“Gần như ngay lập tức dịch Covid-19 đã tác động trực diện lên thị trường mặt bằng bán lẻ", báo cáo của Savills Việt Nam đã nhận định như vậy khi đánh giá về thị trường đặc thù này. Các địa điểm bán lẻ phụ thuộc vào khách du lịch ở khu trung tâm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Kể từ đầu tháng 2/2020, nhiều nhà bán lẻ đã không gia hạn hợp đồng thuê. Những người muốn giữ lại các vị trí đắc địa sau đại dịch đã tạm thời đóng cửa hoặc tìm cách giảm giá thuê.
HÀNG LOẠT THƯƠNG HIỆU GẶP KHÓ
Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, hầu hết các ngành hàng buộc phải đóng cửa, ngoại trừ ngành hàng thiết yếu. Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho khách thuê phải trả lại hoặc sang nhượng mặt bằng để duy trì mức tồn tại. "Tình trạng này diễn ra nhiều nhất ở các nhà hàng, quán ăn uống và beer-club... chiếm tỷ lệ đến 90% so với các mô hình còn lại. Đối với những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, việc đóng cửa một số cửa hàng nhà phố, đồng thời phối hợp với chính sách tái cấu trúc hoặc cắt giảm lương nhân viên là giải pháp nhằm ổn định lại nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn”, ông nói.
Khó khăn của thị trường cũng khiến cho nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế tại Việt Nam phải tính đến việc chuyển nhượng. Theo tờ The Korean Times, đại siêu thị E-mart Hàn Quốc sẽ tiến hành nhượng quyền cho Tập đoàn ô tô Trường Hải Thaco trong thời gian tới. Gặp nhiều trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, sau hơn 6 năm mở một đại siêu thị, thương hiệu này vẫn chưa thể mở thêm bất kì một điểm bán nào.
Nguyên do một phần đến từ mô hình đại siêu thị đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn. Đây không phải lần đầu tiên một thương hiệu ngoại gặp khó, cạnh tranh chật vật tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó, chuỗi siêu thị Auchan từ Pháp cũng được chuyển nhượng cho nhà bán lẻ nội là Saigon Coop hay nhiều tập đoàn tiềm lực như Casino Group, Metro Group... cũng đã rút lui khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Phương Mai, Phó Giám đốc - Trưởng Bộ phận dịch vụ mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam, Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống, nhưng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.
Thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ nhằm hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam dẫn chứng: thực tế, nhiều doanh nghiệp ngoại vẫn xem thị trường bán lẻ Việt Nam là một miền đất hứa cần được khai phá. Vì chỉ một ngày trước khi thông tin về thương vụ của chủ đầu tư E-mart và Tập đoàn ôtô Trường Hải Thaco được đăng tải, “gã khổng lồ” Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã đạt được thỏa thuận chi 400 triệu USD mua 5,5% tỉ lệ sở hữu sau phát hành tại The CrownX – nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce (sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+). Sau giao dịch này, VinCommerce là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada (cũng thuộc sở hữu Alibaba).
Bà An cho biết thêm: mặc dù dịch Covid-19 đã buộc Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phải áp đặt các lệnh giãn cách, tổng mức bán lẻ và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn có những tín hiệu khả quan trong quý 1/2021. Tổng doanh thu bán lẻ vẫn tiếp tục gia tăng khi mà thương mại điện tử và các nhãn hàng quốc tế thâm nhập thị trường.
ĐA SỐ NGƯỜI TIÊU DÙNG MUA SẮM TRỰC TUYẾN
Dự kiến năm 2021, doanh thu thương mại điện tử trên di động sẽ đạt 7 tỷ USD và đến năm 2023 có khả năng sẽ chạm tới mức 10,2 tỷ USD. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các dịch vụ giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này. Nhất là đối với ngành ăn uống, các chủ doanh nghiệp cấp tiến đã chủ động và tăng cường các dịch vụ giao hàng. Rất nhiều chuỗi siêu thị cũng đã mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà như Vinmart, BigC, Saigon Coopmart...
Có thể thấy, khi ranh giới giữa mua sắm online và offline ngày càng mờ nhạt, sự kết hợp của các thương vụ này đang vẽ nên một sân chơi mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Số liệu từ báo cáo của Cơ quan thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam (iDEA) cho thấy, năm qua 53% số người tiêu dùng đã mua sắm trực tuyến. Doanh thu bán lẻ dự báo vẫn lạc quan.
Còn theo Trading Economics, doanh số bán lẻ tại Việt Nam dự báo tăng 11% trong năm 2021, vượt xa với các nước Đông Nam Á khác. Fitch Solutions cũng dự báo, Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng, xếp hạng 4 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong những quốc gia Đông Nam Á, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam trong năm 2021 dự kiến tăng 9,6% theo năm, tăng so với mức dự báo 0,5% năm 2020.
Các danh mục chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong năm 2021. Theo kế hoạch tổng thể quốc gia về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025, đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Như vậy, đại dịch đã buộc người mua sắm và nhà bán lẻ phải thay đổi hành vi, tạo cơ hội cho thương mại điện tử. Các nhà bán lẻ truyền thống cũng đã áp dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và nâng cao dịch vụ. Tập trung nhiều hơn vào các trang web, nền tảng thương mại điện tử và tăng cường tiếp thị trên thiết bị di động và kỹ thuật số đều là những chiến lược tiếp cận mới.
Sự tăng trưởng nhanh chóng này còn ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Nghiên cứu của Nielsen từ tháng 7/2020 cho thấy, sau đại dịch, 64% người được hỏi sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao hàng trong khi 63% sẽ tăng cường mua sắm trực tuyến. Một cuộc khảo sát trên các trang web thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam bao gồm Shopee, Tiki, Lazada và Sendo cho thấy tốc độ tăng trưởng lượng truy cập vào các website này cũng đang tăng nhanh.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL nhận định: “Thương mại điện tử đang được gia tăng áp dụng lên mọi mặt cuộc sống trong đô thị, đặc biệt đối với thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm. Không chỉ ở Việt Nam, điều này đang diễn ra khắp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ và cả châu Âu. Việt Nam còn sở hữu tầng lớp dân số trẻ và nhạy bén với công nghệ, hứa hẹn sẽ là yếu tố lớn thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử”.
Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng còn làm tăng cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với bất động sản công nghiệp, cho phép các công ty giao đơn hàng nhanh hơn bằng cách đặt trụ sở gần hơn với khách hàng. Lượng đơn hàng tăng cao đột ngột đã buộc các công ty thương mại điện tử phải giữ nhiều hàng hơn ở những địa điểm gần khách hàng, thúc đẩy nhu cầu kho bãi linh hoạt. "JLL ghi nhận nhiều yêu cầu từ phía khách hàng thương mại điện tử lớn, với nhu cầu thuê nhà kho gần trung tâm có diện tích 10 đến 15 hecta. Xu hướng này sẽ phát huy điểm mạnh trong những sự kiện mang tính biến động cao như đại dịch hay mùa cao điểm”, bà Trang nhấn mạnh.