08:47 26/05/2008

Mức phạt trong sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá chưa đủ mạnh?

Thúy Nhung

11 hành vi vi phạm hành chính chung về lĩnh vực sản xuất rượu và thuốc lá sẽ bị xử phạt, với mức cao nhất lên tới 60 triệu đồng

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam, sản lượng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta ước tính trên 300 triệu lít/năm.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam, sản lượng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta ước tính trên 300 triệu lít/năm.
Bộ Công thương vừa tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo “Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá”.

Người tiêu dùng sẽ không bị phạt

Đúng như tên gọi của dự thảo, người tiêu dùng sẽ không thuộc phạm vi xử phạt của nghị định này.

Theo dự thảo của nghị định, 11 hành vi vi phạm hành chính chung về lĩnh vực sản xuất rượu và thuốc lá sẽ bị xử phạt, với mức cao nhất lên tới 60 triệu đồng.

Đó là: vi phạm các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm các quy định về giấy phép sản xuất; vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh; giấy phép kinh doanh; vi phạm các quy định về nhập khẩu; vi phạm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; nhãn hiệu sản phẩm; các quy định về dán tem; quy định về hoạt động quảng cáo; về bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh; các quy định về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (vi phạm về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, về chỉ dẫn địa lý được gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa).

Các hành vi vi phạm hành chính mang tính đặc thù trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu như: Vi phạm các quy định về sản xuất rượu thủ công tự tiêu thụ; Vi phạm các quy định về việc cung cấp thông tin sản phẩm rượu; Vi phạm các quy định về nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh rượu. Mức phạt tiền đối với các hành vi này là từ 100.000 đến 15 triệu đồng.

Các vi phạm trong lĩnh vực thuốc lá như: vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá; vi phạm các quy định về trồng, kinh doanh nguyên liệu thuốc lá; vi phạm các quy định chế biến nguyên liệu thuốc lá; vi phạm các quy định về năng lực và sản lượng sản xuất sản phẩm thuốc lá; vi phạm các quy định về sử dụng, thanh lý, nhập khẩu, xuất khẩu, tái xuất, nhượng bán máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá. Mức phạt tối đa có thể lên tới 50 triệu đồng.

Chủ tịch UBND các cấp, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát môi trường,cảnh sát biển, hải quan và thanh tra nhà nước chuyên ngành là những đối tượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm. Mức phạt tiền cao nhất có thể lên tới 70 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm… cũng như buộc thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm.

Tính răn đe chưa cao?

Ông Nguyễn Thái Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: mỗi năm có khoảng 600 triệu bao thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam. Các quy định xử phạt trong nghị định này hiện vẫn còn chưa chi tiết. Mức xử phạt chưa mang tính răn đe. Cũng theo ông Sinh, cần đưa thuốc lá nhập lậu vào danh mục hàng cấm để xử lý theo Bộ luật Hình sự.

Còn theo số liệu thống kê của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam, sản lượng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta ước tính trên 300 triệu lít/năm. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất chỉ chiếm từ 78-80 triệu lít/năm, còn lại chủ yếu là do người dân tự nấu.

Đại diện của Công ty Cổ phần Rượu Bình Tây cho rằng ngộ độc rượu có thể dẫn đến tử vong. Trong khi hành vi sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng không đăng ký với chính quyền địa phương chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt từ 100.000 - 500.000 đồng là quá nhẹ. Do vậy cần bổ sung thêm hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Đại diện này cũng cho rằng rượu và thuốc là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vì vậy Nhà nước nên cho phép các công ty, tập đoàn có chức năng và đầy đủ phương tiện đấu thầu và sản xuất kinh doanh theo định hướng của Chính phủ. Nhưng cần phải có đầy đủ thông tin cho người có nhu cầu sử dụng và các chế tài cần phải áp dụng triệt để.