Mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP trong năm 2025 khó khả thi
Nhiều mục tiêu về phát triển kinh tế số đã được đặt ra trong năm nay, song theo các chuyên gia, khoảng cách giữa mục tiêu và thực tiễn vẫn còn khá xa, quá trình hiện thực hóa đối mặt với không ít thách thức...

Ngày 27/5, Hội Truyền thông Thành phố Hà Nội và Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI) tổ chức Hội thảo “Quản trị công nghệ trong kỷ nguyên số: Những chính sách nổi bật tại Việt Nam”.
Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI), cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm 6 quốc gia Đông Nam Á có chỉ số sẵn sàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vượt mức trung bình toàn cầu. Đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh cạnh tranh số ngày càng quyết liệt.
Trong năm qua, nhiều quốc gia trong khu vực đã tái cấu trúc và đổi tên các cơ quan chủ quản, thể hiện rõ định hướng phát triển số. Indonesia đã đổi tên Bộ Thông tin và Truyền thông (Kominfo) thành Bộ Truyền thông và Các vấn đề số (Komdigi), nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong quản trị quốc gia. Singapore chuyển từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Phát triển số và Truyền thông. Malaysia cũng tái lập cơ quan chức năng với tên gọi mới – Bộ Truyền thông và Các vấn đề số.
Trong năm 2025, ông Keith Detros, Quản lý Chương trình, TFGI, dự báo các chính phủ trong khu vực sẽ chuyển hướng từ giai đoạn mở rộng nhanh chóng sang phát triển một cách có trách nhiệm.
Dự kiến mỗi quốc gia sẽ tăng cường nội luật hoá để phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, ông Keith Detro khuyến nghị nhữnq quy định này cần hài hoà với thông lệ quốc tế, mà gần nhất là khuôn khổ phát triển số của ASEAN – Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN (DEFA) – dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2025.
TÍN HIỆU KHÔNG MẤY LẠC QUAN
Đánh giá riêng thị Việt Nam, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, cho rằng đóng góp của kinh tế số vào các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam hiện vẫn ở mức khiêm tốn.
Cụ thể, trong nông nghiệp, tỷ trọng kinh tế số chỉ chiếm chưa đến 1%; còn trong công nghiệp và xây dựng, con số này cũng chỉ dao động dưới 6%. Hiện tại, phần lớn giá trị của kinh tế số vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số một cách bền vững, việc mở rộng ứng dụng công nghệ số đồng đều vào các lĩnh vực là chiến lược cần phải thực hiện.

Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, tuy nhiên chuyên gia đánh giá đây là thách thức không nhỏ. Giai đoạn 2020–2024, tỷ trọng trung bình của kinh tế số chỉ đạt 12,77%, riêng năm 2024 là 13,17%. Để đạt được mục tiêu 20% trong thời gian ngắn còn lại, năm 2025, là điều khó khả thi.
Trong khi đó, xét theo từng ngành, kinh tế số năm 2024 đóng góp vào nông nghiệp chỉ 0,06%; công nghiệp và xây dựng là 5,96%; và dịch vụ đạt 7,15%. Mục tiêu đạt 10% trong từng lĩnh vực rõ ràng đang đối mặt với khoảng cách lớn.
Đáng chú ý, nguồn nhân lực cho kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Hiện tỷ lệ lao động trong lĩnh vực này chỉ chiếm hơn 2% tổng lực lượng lao động, trong đó riêng ngành công nghệ thông tin có khoảng 1,2 triệu người (trình độ cao đẳng trở lên khoảng 550.000 người), tương đương 1,1% tổng lao động toàn quốc – thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%). Đặc biệt, theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Việt Nam đang thiếu khoảng 700.000 nhân sự chuyên trách trong lĩnh vực an ninh mạng.
Một trong những mục tiêu quan trọng khác là đưa Việt Nam vào nhóm 35 quốc gia dẫn đầu về chính phủ số. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến 2024, thứ hạng chỉ nhích từ vị trí 86 lên 71. Hiện Việt Nam vẫn đứng ở vị trí 72 – thấp nhất trong khối ASEAN 6, chỉ xếp trên Philippines. Tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến cũng thấp hơn so với các quốc gia láng giềng, cho thấy những rào cản về thể chế và hạ tầng số vẫn chưa được tháo gỡ hiệu quả.
CẦN CƠ CHẾ ĐÁNH GIÁ CÁC HIỆU QUẢ THỰC THI CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc khoa học, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo, nhấn mạnh đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc triển khai công nghệ mới, mà quan trọng hơn là phải đo lường được hiệu quả thực tiễn sau khi ứng dụng – làm sao để công nghệ thật sự đi vào đời sống, mang lại giá trị cụ thể cho người dân và xã hội.
Các chuyên gia đồng tình thời gian qua Việt Nam đã có nhiều động thái quyết liệt. Nhiều chính sách mới được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ và kinh tế số, từ việc trình Quốc hội các dự án luật quan trọng, xây dựng nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đến việc mở rộng hợp tác quốc tế.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, tinh thần hành động khẩn trương được thể hiện rõ qua loạt sáng kiến, đề xuất tham vọng và tốc độ ban hành văn bản pháp lý nhanh hơn so với trước đây. Tuy nhiên, để những chương trình và kế hoạch hành động đạt hiệu quả thực chất, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả thực thi.
Đặc biệt, nhiều lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, tài sản số, công nghiệp bán dẫn... vẫn đang thiếu vắng hành lang pháp lý cụ thể. Đây là khoảng trống cần nhanh chóng được lấp đầy nếu Việt Nam muốn không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu về chuyển đổi số.
Chia sẻ về quá trình xây dựng hệ thống văn bản và chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ, chính sách, ông Nguyễn Võ Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo (Cục Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết trước khi có Nghị quyết 57, nhiều chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo đã được đề cập, nhưng phần lớn còn rời rạc và thiếu tính hệ thống.
Sau khi nghị quyết này được ban hành, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đã trở thành những hoạt động có sức lan tỏa đồng đều giữa Trung ương và địa phương, trở thành nhiệm vụ "ngang hàng" trong ưu tiên phát triển.
Ban đầu, Luật Khoa học và Công nghệ chỉ được dự kiến sửa đổi cục bộ. Tuy nhiên, sau Nghị quyết 57, quá trình xây dựng luật đã được nâng tầm thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – với phạm vi bao trùm nhiều nội dung mới, phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay. Các đơn vị chức năng trong Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang được tái cấu trúc để đáp ứng định hướng này.
Ông Hưng cho biết không khí làm việc tại bộ rất khẩn trương. Các nhóm xây dựng chính sách phải làm việc xuyên đêm để kịp tiến độ. Thế nên, ông Hưng cho biết chất lượng và tính khả thi của các văn bản mới sẽ cần thời gian để kiểm chứng. Tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", tức là hoàn thiện dần trong quá trình thực hiện, nên được chấp nhận như một tư duy linh hoạt trong bối cảnh mọi thứ thay đổi liên tục, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.