Mức tỷ giá đồng yên có thể khiến BOJ dừng tăng lãi suất
Ngày 17/4, tỷ giá đồng yên có lúc đạt mức cao nhất 7 tháng so với USD, nhưng sau đó yếu đi vì có tin đàm phán thương mại Mỹ - Nhật chưa bàn đến vấn đề tỷ giá tiền tệ...

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể xem xét dừng tăng lãi suất nếu đồng yên của nước này tăng giá gần tới ngưỡng 130 yên đổi 1 USD và khả năng lạm phát duy trì thấp đi - theo một báo cáo của Goldman Sachs. Ngày 17/4, tỷ giá đồng yên có lúc đạt mức cao nhất 7 tháng so với USD, nhưng sau đó yếu đi vì có tin đàm phán thương mại Mỹ - Nhật chưa bàn đến vấn đề tỷ giá tiền tệ.
Trong báo cáo công bố vào đầu tuần này, các nhà kinh tế của Goldman Sachs nói một đợt tăng giá mạnh của đồng yên có thể gây suy giảm lợi nhuận đối với các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, kéo giá hàng hóa nhập khẩu giảm xuống, gây hạn chế đầu tư trong nước và làm suy yếu tăng trưởng tiền lương, đặt ra thách thức đối với BOJ trong việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Báo cáo cũng nói rằng nếu đồng yên tăng giá tới cận dưới của khoảng 130-140 yên đổi 1 USD, BOJ có thể hạ dự báo lạm phát của tài khóa 2026 về ngưỡng khoảng 1,5%, thấp hơn so với mục tiêu lạm phát của cơ quan này là 2%.
Ngược lại, nếu yên giảm giá quá 160 yên/USD - mức tỷ giá góp phần khiến BOJ tăng lãi suất vào tháng 7 năm ngoái - các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể xem xét đẩy nhanh việc tăng lãi suất, báo cáo nhận định.
Báo cáo trên được Goldman Sachs đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu gần đây có nhiều biến động do các động thái chính sách thuế quan khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự biến động đó đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn như vàng, đồng franc Thụy Sỹ và đồng yên Nhật, đồng thời khiến nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng chính sách của BOJ.
Trong phiên ngày 17/4 tại thị trường châu Á, đồng yên có lúc đạt mức cao nhất so với USD kể từ tháng 10 năm ngoái, với 141,62 yên đổi 1 USD. Sau đó, đồng USD tăng giá gần 0,6% so với yên, đạt USD đổi 142,64 yên. Đồng yên giảm giá trở lại sau khi Bộ trưởng Bộ Phục hồi kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa cho biết vấn đề tỷ giá chưa được thảo luận tại vòng đàm phán thương mại đang diễn ra ở Washington giữa các quan chức cấp cao của Nhật và Mỹ.
Những ngày gần đây, USD đương đầu áp lực giảm giá mạnh so với yên, một phần vì giới đầu tư cho rằng đàm phán thương mại Mỹ - Nhật có thể bao gồm nội dung hai nước nhất trí tăng tỷ giá của yên so với USD. Với vị thế đầu cơ giá lên đồng yên đã lên mức cao nhất kể từ năm 1986, thành quả tăng giá gần đây của yên có thể bị đảo ngược nếu không có thỏa thuận nào như vậy - theo hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, đồng yên vẫn đang là một tài sản an toàn được ưa chuộng trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Trong vòng chưa đầy 2 tuần trở lại đây, đồng yên và euro đều đã tăng giá gần 5% so với USD. Đồng franc Thụy Sỹ - một “hầm trú ẩn” khác - tăng khoảng 8% so với USD trong cùng khoảng thời gian.
Báo cáo nói trên của Goldman Sachs nâng dự báo tỷ giá yên lên mức 135 yên đổi 1 USD vào cuối năm nay.
Tháng trước, ông Trump bày tỏ nghi ngờ Trung Quốc và Nhật Bản lợi dụng vấn đề tỷ giá để gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và các quan chức Nhật khác phủ nhận cáo buộc này.
Tuy nhiên, kịch bản chính của Goldman Sachs vẫn là BOJ duy trì lập trường chính sách tiền tệ tăng dần lãi suất, xét tới việc nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang tăng trưởng mạnh hơn mức tiềm năng dù bị Mỹ áp thuế quan.