Mỹ cam kết tặng thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer cho thế giới
Theo nguồn tin của Reuters, chính phủ Mỹ dự kiến quyên góp thêm 500 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng Pfizer Inc và BioNTech sản xuất cho các quốc gia trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này cam kết chia sẻ lên hơn 1 tỷ liều...
Thông tin này dự kiến được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố tại hội nghị trực tuyến về Covid-19 do Mỹ chủ trì vào ngày 22/9.
Trước đó, ngày 21/9, tại phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Biden cho biết Mỹ đã chi hơn 15 tỷ USD cho nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cung cấp hơn 160 triệu liều vaccine cho các quốc gia khác. Theo ông Biden, Mỹ đã mua 500 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech vaccine để quyên góp thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX cho 100 quốc gia.
Theo một tài liệu của chính phủ mà Reuters có được, Mỹ đang thúc đẩy nguyên thủ các nước đóng góp hiều hơn nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch, trong đó có việc tiêm vaccine cho 70% dân số thế giới vào khoảng thời gian này năm sau.
Cũng tại phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh lại rằng Trung Quốc cam kết cung ứng 2 tỷ liều vaccine cho thế giới vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi chỉ trích việc các nước giàu lên kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường trong khi nhiều người tại các quốc gia đang phát triển chưa được tiêm phòng.
Tính đến ngày 7/9, Mỹ đã quyên góp và chuyển hơn 114 triệu liều vaccine Covid-19 cho khoảng 80 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu là nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latin.
"Các nước giàu đang tích trữ những liều vaccine có thể cứu sống nhiều người, trong khi các nước nghèo phải chờ đợi từng giọt”, ông Duterte nêu rõ trong bài phát biểu của mình tại phiên thảo luận. "Giờ đây họ đang bàn về việc tiêm mũi vaccine tăng cường, trong khi nhiều nước đang phát triển thậm chí gặp khó khăn để tiêm được mũi đầu tiên cho người dân”.
Ông Duterte cho rằng điều này thực sự gây sốc và nhấn mạnh đại dịch sẽ không thể kết thúc trừ phi virus bị tiêu diệt ở tất cả mọi nơi.
Phát biểu trước viện chính sách Asia Society, bà Marsudi khẳng định phải chấm dứt những hạn chế trong xuất khẩu nguyên liệu sản xuất vaccine và cho rằng việc tiếp cận nguồn vaccine an toàn với giá cả phải chăng là điều vô cùng quan trọng hiện nay.
Theo kế hoạch dự kiến trước đó, Mỹ có thể bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường Pfizer/BioNTech cho người cao tuổi và nhóm có nguy cơ cao trong tuần này. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến sẽ phê duyệt việc tiêm mũi vaccine thứ ba cho nhóm này trước cuộc họp giữa các cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ ngày hôm nay (22/9).
Trong bối cảnh khoảng cách trong việc tiêm vaccine Covid-19 giữa nước giàu và nước nghèo ngày càng tăng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cũng như các quốc gia giàu có khác hoãn lại kế hoạch tiêm mũi tăng cường và dùng số vaccine này để phân bổ cho những người chưa được tiêm mũi đầu tiên trên thế giới.
Theo dữ liệu thống kê từ Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), tính đến ngày 7/9, Mỹ đã quyên góp và chuyển hơn 114 triệu liều vaccine Covid-19 cho khoảng 80 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu là nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latin. Con số này gần gấp ba so với quốc gia đứng thứ hai – Trung Quốc với 34 triệu liều. Theo sau là Nhật với 23,3 triệu liều vaccine đã quyên góp đến nay.
Anh, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ba Lan quyên góp từ khoảng 1,15 - 6,88 triệu liều mỗi nước.
Tổng cộng, hơn 207 triệu liều vaccine Covid-19 quyên góp – qua hình thức song phương hoặc qua COVAX đã được chuyển cho các nước nhận. Con số này thấp hơn nhiều so với khuyến nghị từ một ủy ban độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong một báo cáo hồi tháng 5, ủy ban này khuyến nghị các nước thu nhập cao tái phân phối ít nhất 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước thu nhập thấp và trung bình tới ngày 1/9 và 1 tỷ liều nữa vào giữa năm 2022.