Mỹ cảnh báo vaccine của Johnson & Johnson gây rối loạn thần kinh hiếm gặp
Trong 100 ca mắc GBS sau khi tiêm vaccine Johnson & Johnson, 95 trường hợp nghiêm trọng cần phải nhập viện và một ca đã tử vong...
Theo tin từ Reuters, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ ngày 12/7 vừa bổ sung một cảnh báo mới vào tờ thông tin của vaccine Covid-19 do công ty Johnson & Johnson sản xuất, trong đó nói rằng dữ liệu cho thấy người tiêm vaccine này có nguy cơ mắc chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp - hội chứng Guillain-Barré (GBS) - gặp 6 tuần sau tiêm.
Hội chứng GBS còn được gọi là bệnh dây thần kinh ngoại biên do tự miễn gây ra. Hội chứng rối loạn này xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào một phần hệ thần kinh ngoại biên. Tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn và không thể phân biệt được kháng nguyên có sẵn trong cơ thể với các kháng nguyên bên ngoài, do đó tấn công ngược lại các tế bào của cơ thể.
Trong thư gửi Johnson & Johnson, FDA đã phân loại khả năng mắc hội chứng GBS sau khi tiêm vaccine của công ty này là "rất thấp”. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết những người tiêm vaccine của Johnson & Johnson nên đến cơ sở y tế nếu gặp các triệu chứng như yếu hoặc cảm giác ngứa ran, đi lại khó khăn hoặc khó cử động cơ mặt.
Theo báo cáo sơ bộ của FDA về 100 ca mắc GBS sau khi tiêm vaccine Johnson & Johnson, 95 trường hợp nghiêm trọng cần phải nhập viện và một ca đã tử vong. Hiện tại, khoảng 12,8 triệu người tại Mỹ đã được tiêm vaccine một liều do Johnson & Johnson sản xuất.
Trong thông cáo sau đó, Johnson & Johnson cho biết đã thảo luận với các nhà chức trách về những trường hợp mắc hội chứng GBS. Theo công ty này, số lượng các ca mắc GBS trên tổng số người đã tiêm vaccine Johnson & Johnson chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hầu hết các trường hợp mắc GBS do nhiễm virus hoặc vi khuẩn và thường phục hồi hoàn toàn.
Các trường hợp mắc hội chứng hiếm gặp này cũng từng xảy ra trong những đợt tiêm chủng trước đây, trong đó đáng chú ý nhất là chiến dịch tiêm chủng khi bùng phát dịch cúm lợn ở Mỹ năm 1976 và sau đó là đợt tiêm vaccine trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), hầu hết các trường hợp trên là nam giới, trong đó nhiều người trên 50 tuổi. Cơ quan này hiện chưa phát hiện số trường hợp mắc GBS cao hơn dự kiến ở những người đã tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna.
Tuần trước, các nhà chức trách châu Âu cũng đưa ra cảnh báo tương tự với vaccine Covid-19 của công ty AstraZeneca - loại vaccine dược phát triển dựa trên công nghệ tương tự với vaccine của Johnson & Johnson.
Theo các nhà phân tích, cảnh báo trên là một trở ngại nữa với vaccine của Johnson & Johnson khi vaccine này vốn được kỳ vọng sẽ là công cụ quan trọng để tiêm chủng tại những khu vực khó tiếp cận và cho những người đang do dự tiêm phòng. Vaccine này chỉ cần tiêm một liều và có yêu cầu bảo quản dễ dàng hơn so với vaccine của Pfizer hay Moderna.
Trước đó, vaccine củ Johnson & Johnson cũng được cho là có liên quan tới một số trường hợp đông máu rất hiếm gặp nguy hiểm tới tính mạng. Bên cạnh đó, việc triển khai tiêm chủng vaccine này cũng bị chậm lại do các vấn đề về sản xuất. Tuy nhiên, hồi tháng 4, các nhà chức trách Mỹ khẳng định những lợi ích từ việc tiêm vaccine Johnson & Johnson cao hơn so với rủi ro về đông máu.