Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tỷ giá”
Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 5/8 chính thức “dán nhãn” nước thao túng tỷ giá lên Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 5/8 chính thức "dán nhãn" nước thao túng tỷ giá lên Trung Quốc, một động thái đẩy leo thang cao hơn thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quyết định trên của Mỹ được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cùng ngày cho phép tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm mạnh - một hành động được cho là nhằm trả đũa việc ông Trump tuần trước đột ngột tuyên bố áp thuế quan lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, phán quyết mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra chủ yếu mang tính biểu tượng, bởi các biện pháp trừng phạt đối với một quốc gia thao túng tỷ giá chính là loạt chính sách mà ông Trump đến nay đã áp dụng với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, việc Washington gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá phản ánh mối quan hệ đang xấu đi rất nhanh chóng giữa hai bên. Thị trường chứng khoán Mỹ vốn đã giảm mạnh trước đó trong phiên đầu tuần, và trong phiên ngoài giờ, chỉ số S&P 500 tương lai tiếp tục giảm thêm hơn 1% sau khi Mỹ công bố quyết định này.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Bộ trưởng Steven Mnuchin "sẽ làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để xóa bỏ lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng tạo ra bởi những hành động mới nhất của Trung Quốc".
Ngày 5/8, tỷ giá Nhân dân tệ so với đồng USD sụt dưới ngưỡng quan trọng 7 tệ đổi 1 USD, thấp nhất 1 thập kỷ, gây rúng động thị trường tài chính toàn cầu.
Phản ứng với diễn biến này, ông Trump đăng lên mạng xã hội Twitter một dòng trạng thái (tweet) gọi đây là "sự thao túng tỷ giá đồng tiền". Đánh giá này của ông Trump được coi là một tín hiệu cho thấy ông muốn Cục Dự trữ Liên bang (FED) có biện pháp đối trọng sự suy giảm tỷ giá Nhân dân tệ, đồng nghĩa với việc giảm thêm lãi suất đồng USD.
Thương chiến Mỹ-Trung leo thang mạnh kể từ khi ông Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ (USTR) trở về từ vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải vào tuần trước - cuộc gặp hầu như không mang lại bước tiến nào trên con đường đi tìm giải pháp cho xung đột thương mại song phương. Việc ông Trump ra lệnh áp thuế quan bổ sung 10% từ ngày 1/9 lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại mà ông chưa áp thuế đã khiến khả năng đạt một thỏa thuận càng trở nên xa vời.
Trung Quốc đã đưa ra câu trả lời của mình vào ngày thứ Hai, bằng cách để cho Nhân dân tệ rớt giá hơn 1% và tuyên bố dừng mua nông sản Mỹ.
"Đây là một bước leo thang mới của cuộc chiến thương mại vốn chẳng mang lại ích lợi gì, và sẽ gây ra nhiều tổn thất cho thị trường", chiến lược gia Richard Franulovich thuộc Westpac nhận xét. "Nếu mục đích là lập lại sự ổn định cho thị trường, thì biện pháp này cực kỳ phản tác dụng".
Việc Trung Quốc bị "dán nhãn" thao túng tỷ giá được Mỹ đưa ra chưa kèm theo biện pháp trừng phạt nào, nhưng có thể tạo ra những sóng gió mới trên thị trường tài chính toàn cầu.
Bộ Tài chính Mỹ thường đưa ra những đánh giá như vậy trong bản báo cáo thường kỳ mỗi năm hai lần lên Quốc hội, nhưng động thái ngày 5/8 không đi theo quy trình này. Bản báo cáo thường kỳ tiếp theo dự kiến được đưa ra vào tháng 10.
Ngày 5/8, Thống đốc PBoC Dịch Cương tuyên bố Trung Quốc sẽ không sử dụng tỷ giá làm "vũ khí" trong thương chiến. Bất chấp sự đảm bảo này của ông Dịch, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục tiếp tục sụt giảm 0,2% vào sáng sớm nay tại châu Á, xuống mức thấp kỷ lục mới 7,1143 tệ đổi 1 USD.
Trong khi đó, đồng Yên Nhật tăng giá với USD do nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư.
"Chúng ta sẽ chứng kiến thêm những gì đã diễn ra trong phiên giao dịch ngày thứ Hai: cổ phiếu sụt giá, lợi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh, và nhà đầu tư đổ xô mua các tài sản an toàn", ông Franulovich nhận định về diễn biến thị trường tài chính toàn cầu ngày thứ Ba.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump đã nhiều lần hứa "dán nhãn" thao túng tỷ giá lên Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này ông mới hành động. Từ năm 1998 đến nay, Mỹ chưa gọi một quốc gia nào khác là nước thao túng tỷ giá đồng tiền.
Hồi tháng 6, Bộ trưởng Mnuchin từng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể bị gọi là nước thao túng tỷ giá nếu Bắc Kinh dừng việc hỗ trợ tỷ giá Nhân dân tệ. "Không phải ngẫu nhiên mà tôi quan tâm đến việc đồng tiền này đã giảm giá từ 6,3 Nhân dân tệ còn 6,9 Nhân dân tệ đổi 1 USD", ông Mnuchin nói hôm 8/6 sau một cuộc gặp của quan chức tài chính nhóm G20 ở Fukuoka, Nhật Bản.