Mỹ có thể ban hành sắc lệnh về tiền ảo trong tuần này
Sắc lệnh này được kỳ vọng sẽ chỉ rõ khả năng Mỹ phát hành một đồng tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC). Đầu năm nay Fed nói rằng CBDC có thể giúp Mỹ duy trì vị thế thống trị của đồng USD, khi mà các quốc gia khác, như Trung Quốc, đều đang thúc đẩy việc này...
Theo nguồn tin của Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh về tiền ảo trong tuần này. Sắc lệnh này sẽ chỉ đạo các cơ quan liên bang đánh giá những thay đổi về pháp lý có thể thực hiện, cũng như tác động của tiền ảo đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia.
Nguồn tin cho biết sắc lệnh trên đã được nghiên cứu từ năm ngoái, yêu cầu các cơ quan liên bang của Chính phủ Mỹ phải báo cáo trong năm nay về những việc họ làm liên quan tới tiền ảo. Cụ thể, sắc lệnh đặt ra thời hạn 180 ngày để các cơ quan liên bang nộp báo cáo về "tương lai tiền tệ" và vai trò của tiền ảo trong bối cảnh hiện nay. Kế hoạch này dự kiến sẽ đề ra vai trò của các cơ quan trong chính phủ đối với tiền số, từ Bộ Ngoại giao cho tới Bộ Thương mại.
"Chúng ta có thể chứng kiến một sự thay đổi đáng kể về chính sách trong 180 ngày. Đây có thể là một bước để tiến tới việc tạo ra tiền số của ngân hàng trung ương", nguồn tin cho biết.
Sắc lệnh này được kỳ vọng sẽ chỉ rõ khả năng Mỹ phát hành một đồng tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC). Tuy nhiên, điều này cũng chưa chắc chắn bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện vẫn đang nghiên cứu. Trong một công bố vào đầu năm nay, Fed nói rằng CBDC có thể giúp Mỹ duy trì vị thế thống trị của đồng USD, khi mà các quốc gia khác, như Trung Quốc, đều đang thúc đẩy việc này.
Năm ngoái, Nhà Trắng nói rằng đang cân nhắc giám sát trên diện rộng đối với thị trường tiền ảo - trong đó có việc ban hành một lệnh hành pháp - để đối phó với các mối đe dọa ngày càng lớn của tội phạm mạng.
Vài tuần gần đây, lập trường của Nhà Trắng với tiền ảo thu hút sự quan tâm lớn sau khi Washington và các nước đồng minh áp một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga, gây quan ngại rằng các tổ chức và cá nhân sẽ chuyển sang sử dụng tiền ảo để lách trừng phạt.
Giới phân tích nhận định, chính quyền của ông Biden đang chịu áp lực phải nắm vai trò điều phối mạnh mẽ hơn trong cách tiếp cận với tài sản số. Các bên tham gia lĩnh vực này phàn nàn rằng những phát ngôn của Washington về tiền ảo thiếu sự rõ ràng về mặt pháp lý.
Trong khi đó, ngành công nghiệp tiền số đang đối mặt sự giám sát nghiêm ngặt của các nhà lập pháp Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Sherrod Brown với mối quan ngại rằng tài sản số có thể được lợi dụng để lách trừng phạt. Một số nhà phân tích và quan chức cũng đặt câu hỏi về hiệu quả tiền số với quy mô hạn chế của thị trường.
Hôm qua (7/3), Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng các tổ chức tài chính nên đề phòng việc các thực thể của Nga có thể cố tìm cách lách trừng phạt của Mỹ.
“Dù chúng tôi chưa ghi nhận việc lách biện pháp trừng phạt qua các phương thức như tiền ảo, nhưng việc báo cáo nhanh chóng về các hành vi đáng ngờ sẽ giúp phần bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy nỗ lực hỗ trợ Ukraine cũng như người dân nước này”, ông Him Das, quyền giám đốc của FinCEN nói trong một thông cáo báo chí.
Nga hiện đối mặt với gần 2.800 biện pháp trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng như nhiều quốc gia khác sau khi Moscow phát động cuộc tấn công quân sự vào nước láng giềng Ukraine. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng và thương mại của Nga.
Tuy nhiên, việc này đang không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế Nga mà đang gây ra những tác động trên phạm vi toàn cầu với giá dầu tăng kỷ lục, giá cả nhiều mặt hàng leo thang, gián đoạn chuỗi cung ứng...