Mỹ công bố lệnh cấm đầu tư vào ngành công nghệ Trung Quốc
Sắc lệnh mà Tổng thống Joe Biden vừa công bố là động thái mới nhất trong loạt hành động của Washington nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến...
Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ cấm một số hoạt động đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực điện toán lượng tử, con chip tiên tiến, và trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc - đẩy mạnh nỗ lực nhằm ngăn quân đội Trung Quốc tiếp cận với công nghệ và vốn của Mỹ.
Sắc lệnh mới nói trên được ông Biden công bố vào ngày 9/8 theo giờ Mỹ, dự kiến có hiệu lực từ năm tới và sẽ yêu cầu các công ty phải báo cáo Chính phủ Mỹ về kế hoạch đầu tư mới vào ba lĩnh vực nói trên ở Trung Quốc. Động thái này sẽ có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm, cũng như nhà đầu tư Mỹ trong liên doanh với đối tác Trung Quốc - tờ Financial Times nhận định.
CHIẾN LƯỢC "SÂN NHỎ, RÀO CAO"
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng quyết định này của Mỹ sẽ tạo ra một chương trình “rất có trọng điểm” tập trung vào ba lĩnh vực kể trên. Đây cũng là những lĩnh vực mà Mỹ từ trước đã có các biện pháp khác nhằm vào Trung Quốc. “Chúng tôi muốn mang đến hướng dẫn rõ ràng về những gì bị cấm và những gì phải được báo cáo”, vị này nói.
Ông Biden nói rằng tiến bộ về công nghệ trong những lĩnh vực này đặt ra “rủi ro lớn về an ninh quốc gia” bởi máy tính có thể phát triển theo những cách giúp tạo ra các loại vũ khí tinh vi và phá vỡ các mật mã mà các cơ quan tình báo sử dụng để bảo vệ dữ liệu.
Trong cuộc gặp tại thượng đỉnh G20 ở Bali hồi tháng 10 năm ngoái, ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí ổn định quan hệ và đảm bảo chắc chắn rằng cạnh tranh sẽ không chệch hướng thành xung đột.
Sắc lệnh này của ông Biden là động thái mới nhất trong loạt hành động của Washington nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến. Sự hạn chế mà Mỹ đặt ra với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ được cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi là chiến lược “sân nhỏ, rào cao”.
Về phần mình, Bắc Kinh đã cáo buộc rằng hành động của Mỹ được đưa ra nhằm cản trở tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 10/8 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sắc lệnh mà ông Biden vừa ký, nói rằng sắc lệnh này “đi trệch khỏi những nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng và kinh tế thị trường mà Mỹ luôn luôn ủng hộ”, và rằng Bắc Kinh có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả.
Một quan chức khác của Mỹ nói sắc lệnh mới sẽ bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ “một cách có trọng điểm hơn, trong khi duy trì cam kết lâu dài của chúng tôi về đầu tư cởi mở”.
Động thái của Mỹ có thể cản trở nỗ lực song phương nhằm khôi phục đối thoại cấp cao Mỹ-Trung vốn đã rơi vào ngưng trệ sau khi một khinh khí cầu bị nghi là gián điệp xuất hiện trên bầu trời Mỹ trong năm nay. Trong cuộc gặp tại thượng đỉnh G20 ở Bali hồi tháng 10 năm ngoái, ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí ổn định quan hệ và đảm bảo chắc chắn rằng cạnh tranh sẽ không chệch hướng thành xung đột.
ĐỒNG MINH CỦA MỸ DÈ DẶT
Mỹ đã thuyết phục các nước đồng minh nhằm đi đến sự đồng thuận cao nhất có thể về sự cần thiết phải hạn chế đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này không hề đơn giản, bởi các quốc gia khác lo ngại rằng hành động của Mỹ có thể đi quá xa, và trong một số trường hợp các quốc gia khác còn gặp phải trở ngại về pháp lý trong nước.
Giới chức Mỹ đã bày tỏ hy vọng rằng một số quốc gia sẽ hành động một khi Washington đi đầu. Nhưng ngay cả một số đồng minh thân cận của Mỹ dường như cũng đang chùn bước. Các quan chức Nhật Bản đã nói rõ rằng Tokyo không có ý định sửa đổi luật đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết Anh và Đức, cũng như Ủy ban châu Âu (EC), đã bày tỏ quan tâm đến việc phát triển các cơ chế đầu tư ra nước ngoài tương tự như cách làm của Mỹ
Đảng Cộng hòa chỉ trích chính quyền ông Biden không đưa ra một sắc lệnh rộng hơn. Bà Nikki Haley, một trong những ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà, nói rằng đó "thậm chí còn chưa phải là một biện pháp nửa vời”. Bà nói: “Để ngừng tài trợ cho quân đội Trung Quốc, chúng ta phải ngừng tất cả các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty quân sự và công nghệ quan trọng của Trung Quốc”.
Bà Emily Kilcrease, một chuyên gia công nghệ tại tổ chức tư vấn CNAS, nhận định đây là “bước đi đầu tiên tốt để giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc nhưng sẽ “khiến nhiều phe không hài lòng”. Bà cho rằng một số người sẽ chỉ trích sắc lệnh của ông Biden vì biện pháp này không rộng hơn, nhưng khoảng thời gian cần thiết để đi đến một quy tắc cuối cùng từ sắc lệnh này sẽ tạo dư địa để thay đổi.
“Sẽ tiếp tục có những nỗ lực vận động hành lang chống lại các lệnh cấm cứng rắn và tìm cách thu hẹp phạm vi của những lĩnh vực mà sắc lệnh bao trùm”, vị chuyên gia nói.