Mỹ đề xuất EU áp thuế lên dầu Nga
Việc áp thuế nhập khẩu lên dầu Nga trong lúc chưa cấm vận cho phép EU vừa tiếp tục mua được dầu từ Nga, vừa hạn chế được nguồn thu của Moscow...
Theo tin từ Business Insider, Mỹ đã đề xuất Liên minh châu Âu (EU) áp thuế đối với dầu nhập khẩu từ Nga trong lúc vẫn còn mua dầu Nga. Cách này vừa hạn chế khả năng đẩy giá dầu tăng cao hơn, vừa gây ảnh hưởng bất lợi tới nguồn thu của Moscow.
Mỹ muốn thuế quan này được áp dụng trước khi EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu toàn diện đối với dầu mỏ Nga vào cuối năm nay theo một kế hoạch đang được thảo luận.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đầu tuần này đã cùng các nước đồng minh EU thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Bà Yellen trước đó nói rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU có thể khiến giá các mặt hàng năng lượng tăng cao.
"Chúng tôi đã thảo luận về một loạt các lựa chọn. Chúng tôi sẽ không có gắng nói với họ (EU) rằng điều gì sẽ tốt nhất cho họ, nhưng chúng tôi đã thảo luận về một số lựa chọn đang được cân nhắc”, bà Yellen nói với truyền thông, theo Finacial Times.
Trong khi đó, tờ Finacial Times dẫn nguồn từ một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết hai trong các lựa chọn đang được cân nhắc là áp mức giá trần hoặc thuế quan.
EU trước đó đã đề xuất tiến tới áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn với dầu thô và sản phẩm dầu tinh chế từ Nga trong vòng 6 tháng. Mỹ hiện đã cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.
"Trong thời gian chờ đợi, có thể kết hợp việc giảm nhập khẩu theo giai đoạn với việc thiết lập cơ chế giá”, tờ Wall Street Journal dẫn lời bà Yellen sau cuộc gặp với chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đầu tuần này. "Điều tối quan trọng là EU phải giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga”.
Năm 2021, Nga cung cấp khoảng 25% tổng lượng dầu mỏ mà EU nhập khẩu, nhiều nhất trong tất cả quốc gia mà khối này nhập khẩu dầu, theo các số liệu chính thức. Trong EU, Hungary đang phản đối lệnh cấm nói trên bởi quốc gia này phụ thuộc nhiều hơn vào dầu Nga. Đức, một nước nhập khẩu dầu lớn khác, dù ủng hộ lệnh cấm nhưng cảnh bảo rằng việc này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu.
“Xuất khẩu dầu của Nga sang EU có thể giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày theo các kế hoạch cấm nhập khẩu của khối này. Đây sẽ là một cơn địa chấn với thị trường toàn cầu”, hãng tư vấn Rystad Energy đánh giá.
Trong cuộc làm việc nói trên, bà Yellen bày tỏ hoan nghênh lập trường của EU với việc đề xuất cấm dầu Nga. Theo bà, Moscow đang dùng năng lượng làm vũ khí để chống lại những quốc gia phản đối chiến tranh Nga-Ukraine.
“Mỹ cam kết hợp tác với châu Âu trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực, đồng thời phá bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định.