16:29 03/06/2011

Mỹ đối mặt nguy cơ bị giảm điểm tín nhiệm

An Huy

Hãng định mức tín nhiệm Moody's Investors Service vừa lên tiếng cảnh báo có thể sẽ cắt giảm điểm tín nhiệm nợ công của Mỹ

Moody’s tuyên bố sẽ thực hiện việc xem xét hạ điểm tín nhiệm của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Moody’s tuyên bố sẽ thực hiện việc xem xét hạ điểm tín nhiệm của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hãng định mức tín nhiệm Moody's Investors Service vừa lên tiếng cảnh báo có thể sẽ cắt giảm điểm tín nhiệm nợ công của Mỹ từ mức đỉnh Aaa hiện nay, sớm nhất vào tháng tới, tờ Wall Street Journal cho hay.

Trong một báo cáo công bố ngày 2/6, Moody’s tuyên bố sẽ thực hiện việc xem xét hạ điểm tín nhiệm của nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu Washington không đạt được những bước tiến mới trong việc nâng mức trần của nợ liên bang và cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Hiện tại, nợ công của Mỹ đã kịch trần giới hạn 14,294 nghìn tỷ USD, và việc điều chỉnh tăng mức trần này không phải là chuyện dễ dàng do vấp phải mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Ngay sau khi tuyên bố trên của Moody’s được phát đi, tại một cuộc họp ở Nhà Trắng, các hạ nghị sỹ đảng Dân chủ đã gây áp lực đề nghị Tổng thống Barack Obama kiên quyết thúc đẩy các biện pháp tăng thuế như một phần trong bất kỳ thỏa thuận ngân sách nào với phe Cộng hòa. Trong khi đó, đảng Cộng hòa lại đòi cắt giảm mạnh chi tiêu công, nhưng không muốn tăng thuế.

Bộ Tài chính Mỹ đã dự báo, họ sẽ bắt đầu mất khả năng chi trả nợ sớm nhất từ ngày 2/8 nếu trần nợ quốc gia không được nâng lên. Chuyên gia Stephen Hess của Moody’s cho biết, trong trường hợp Chính phủ Mỹ trễ hạn trả tiền lãi của bất kỳ khoản vay nào, điểm tín nhiệm của nước này có thể bị cắt giảm 3 bậc. Những thông tin này đã đẩy giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 2/6, đưa mức lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên hơn 3% từ mức dưới 3% của phiên trước.

Tuy nhiên, giới đầu tư mua nợ Mỹ tỏ ra không mấy lo ngại về cuộc tranh cãi xung quanh việc nâng hay không nâng trần nợ công. Họ tin rằng, cuộc tranh cãi hiện nay giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa về trần nợ công chỉ là một hình thức của “sân khấu chính trị” và sớm muộn gì việc nâng trần nợ cũng được thực hiện.

Hai tháng trước, một hãng định mức tín nhiệm lớn khác là Standard & Poor's đã điều chỉnh mức triển vọng điểm tín nhiệm nợ của Washington xuống “tiêu cực” từ “ổn định”, cũng vì những lo ngại xung quanh việc điều chỉnh trần nợ công của Chính phủ Mỹ.

Hiện các thành viên đảng Dân chủ đang lo ngại Tổng thống Obama sẽ chấp nhận điều chỉnh giảm ngân sách cho chương trình chăm sóc y tế Medicare hoặc một thỏa thuận ngân sách không tăng thuế.

Cũng trong ngày hôm qua, các hạ nghị sỹ phe Cộng hòa đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner và đề nghị ông Geithner trả lời câu hỏi vì sao chính quyền Tổng thống Obama vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch chi tiết cho vấn đề nợ công. Nhiều nghị sỹ Cộng hòa cho rằng, ông Geithner đã không hiểu được sự cấp bách mà họ cảm nhận về việc cắt giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, sau cuộc họp trên, ông Geithner vẫn tỏ ra lạc quan. “Tôi tin là sẽ có hai điều xảy ra trong mùa hè năm nay. Chúng ta sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng vỡ nợ và chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận tài khóa dài hạn”, ông Geithner nói.