01:02 01/10/2009

Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm tiền gửi

Kiều Oanh

Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ đề xuất giải pháp các ngân hàng trả trước 3 năm phí bảo hiểm tiền gửi

Quỹ bảo hiểm của FDIC đã sụt giảm từ mức 45 tỷ USD vào cuối năm ngoái xuống còn 10,4 tỷ USD tính tới cuối quý 2 vừa qua - Ảnh: AP.
Quỹ bảo hiểm của FDIC đã sụt giảm từ mức 45 tỷ USD vào cuối năm ngoái xuống còn 10,4 tỷ USD tính tới cuối quý 2 vừa qua - Ảnh: AP.
Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) ngày 29/9 đã đề xuất giải pháp các ngân hàng trả trước 3 năm phí bảo hiểm tiền gửi để giúp cơ quan này có tiền trang trải cho các vụ đổ vỡ liên tục leo thang của các nhà băng.

Quỹ bảo hiểm của FDIC đang cạn dần, trong khi số tiền ước tính cần thiết để giải quyết các vụ sụp đổ ngân hàng tại Mỹ từ nay tới năm 2013 đã lên tới 100 tỷ USD.

Theo kế hoạch của FDIC, các ngân hàng thuộc diện được cơ quan này bảo hiểm sẽ trả trước tổng số phí 45 tỷ USD. Tuy nhiên, số phí trả trước này sẽ không bị trừ vào lợi nhuận của các ngân hàng cho tới khi tới hạn phải trả bình thường.

Hiện 5 thành viên trong ban lãnh đạo của FDIC đã bỏ phiếu nhất trí đưa kế hoạch trên ra thăm dò ý kiến dư luận trong thời gian 30 ngày. Nếu được thực thi, kế hoạch này sẽ yêu cầu các ngân hàng trả trước phí bảo hiểm tiền gửi cho các năm 2010, 2011 và 2012 vào ngày 30/12/2009 này.

Trong thời gian qua, các nhà chức trách Mỹ đã nghiên cứu nhiều biện pháp nhằm làm đầy quỹ bảo hiểm tiền gửi mà không gây ra gánh nặng lớn cho ngân quỹ của các ngân hàng làm ăn tốt hoặc tiền thuế của dân. Đề xuất được đưa ra lần này của FDIC đảm bảo được hai yêu cầu là không tác động bất lợi tới lợi nhuận của các ngân hàng, và cũng không cần tới hạn ngạch tín dụng trị giá 500 tỷ USD mà Bộ Tài chính Mỹ dành sẵn cho FDIC.

Trước khi đề xuất trả trước phí bảo hiểm được đưa ra, FDIC cho biết, số dư quỹ bảo hiểm tiền gửi có thể sẽ trở thành con số âm trong quý 3 này và sẽ còn âm cho tới tận năm 2012. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định, họ vẫn có một số tiền lớn để hoạt động và giải quyết các vụ đổ vỡ ngân hàng.

Mới đây, FDIC đã nâng mức dự báo về tổng chi phí cho các vụ đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ trong thời gian 2009-2013 lên 100 tỷ USD, từ mức dự báo 70 tỷ USD ban đầu.

Từ đầu năm 2009 tới nay, nước Mỹ đã chứng kiến 95 vụ đổ vỡ của các ngân hàng, so với con số 25 vụ trong năm 2008 và 3 vụ trong năm 2007. Vì vậy, quỹ bảo hiểm của FDIC đã sụt giảm từ mức 45 tỷ USD vào cuối năm ngoái xuống còn 10,4 tỷ USD tính tới cuối quý 2 vừa qua.

Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử FDIC yêu cầu các ngân hàng trả trước phí bảo hiểm tiền gửi. Lần gần đây nhất quỹ của FDIC âm là vào năm 1991, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay. Khi đó, FDIC đã phải vay tiền từ Bộ Tài chính Mỹ.

Theo yêu cầu kế toán, FDIC phải dự phòng quỹ bảo hiểm tiền gửi cho các vụ đổ vỡ có thể xảy ra trong vòng 12 tháng kế tiếp. Số dự phòng của quỹ này cho năm 2010 là 32 tỷ USD. Mức trần bảo hiểm tiền gửi mà FDIC hiện đang áp dụng là 250.000 USD mỗi tài khoản.

(Theo Reuters)