16:12 04/03/2022

Mỹ kêu gọi Trung Quốc không giúp Nga “lách” trừng phạt

Ngọc Trang

Theo quan chức Mỹ, nếu Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào tìm cách lách các biện pháp trừng phạt, họ sẽ phải đối mặt với hậu quả của hành động này...

Ông Derek Chollet, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ - Ảnh: AP
Ông Derek Chollet, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ - Ảnh: AP

“Nếu Trung Quốc cố gắng giúp Nga lách các biện pháp trừng phạt liên quan tới xung đột ở Ukraine, họ sẽ đối mặt với biện pháp đáp trả”, Derek Chollet, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 3/3 cho biết.

Ông Chollet nhấn mạnh các nước đồng minh tham gia áp đặt trừng phạt đối với Nga đại diện cho 50% nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm 15% kinh tế toàn cầu.

“Nếu Trung Quốc tìm cách né tránh hoặc bằng cách nào đó chia rẽ các lệnh trừng phạt, thì họ sẽ bị tổn thương. Bất kỳ quốc gia nào cố gắng lách các biện pháp trừng phạt cũng đối mặt với hậu quả từ hành động này”, ông nói thêm.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước đồng minh phương Tây đã cùng đư ra một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với Nga sau khi nước này phát động cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố nước này phản đối và sẽ không tham gia vào các biện pháp trừng phạt này, theo SCMP.

"Trung Quốc kiên quyết phản đối tất cả các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp và tin rằng trừng phạt về cơ bản không bao giờ là công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề”, Liu Pengyu, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, phát biểu ngày 3/3.

Ông Pengyu từ chối phát biểu khi được hỏi về việc liệu Bắc Kinh có giúp Nga tránh các biện pháp trừng phạt này hay không.

Trước đó, vào đêm quân đội Nga tiến vào biên giới Ukraine, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui, nói rằng Bắc Kinh “vui mừng” khi thấy đồng Nhân dân tệ được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thương mại, đầu tư và dự trữ ngoại hối của Nga. Vài giờ sau cuộc tấn công, Bắc Kinh thông báo “mở cửa hoàn toàn” cho lúa mỳ nhập khẩu từ Nga dù trước đó áp lệnh hạn chế với lý do quan ngại bệnh dịch cây trồng.

Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Chollet cho biết Washington đã thảo luận với Bắc Kinh “ở tất cả các cấp”, với hy vọng rằng nước này sẽ thuyết phục Nga hủy bỏ cuộc tấn công, giảm leo thang căng thẳng và tìm giải pháp ngoại giao.

“Đây là thông điệp nhất quán của chúng tôi với Trung Quốc và tất cả các quốc gia khác. Bây giờ là lúc thể giới phải chung sức và chung tiếng nói để chống lại các hành động tấn công quân sự vô cớ, phi lý và được lên kế hoạch từ trước”, ông Chollet, người từng giữ các chức vụ tại Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ, nói.

Ông cho biết một mục tiêu nữa của Washington là Trung Quốc cùng tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo gây ra do cuộc tấn công của Nga và “quan trọng là Trung Quốc trở thành một phần của giải pháp, chứ không cố gắng đứng ngoài lề hoặc tệ hơn là làm trầm trọng hơn các vấn đề”.

Trước đó, ngày 2/3, tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc, 141 quốc gia đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine. 35 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, bỏ phiếu trắng và 5 quốc gia bỏ phiếu chống.

Tại họp báo diễn ra sáng ngày 3/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Bắc Kinh bỏ phiếu trắng vì nghị quyết trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc không xem xét đến "tính lịch sử và sự phức tạp" của tình hình.

Những năm gần đây, quan hệ Nga - Trung Quốc ngày càng được thắt chặt. Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh vào tháng trước, hai quốc gia tuyên bố rằng tình hữu nghị của hai bên là "không có giới hạn".

Quyết định tấn công quân sự vào nước láng giềng Ukraine khiến Nga hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây, nhằm vào ngành tài chính, năng lượng, vận tải Nga, trong đó có hạn chế xuất khẩu, cấm tài trợ thương mại, cấm tổ chức tài chính Nga thực hiện các giao dịch bằng đồng USD… 

Nhiều nhà phân tích tin rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, tài chính Nga - Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ tiếp tục mua hydrocacbon, ngũ cốc và các loại hàng hóa khác từ Nga. Ở chiều ngược lại, Nga sẽ thay thế hàng công nghệ cao thường nhập từ các nước phương Tây bằng sản phẩm của Trung Quốc. Cùng với đó, hệ thống tài chính của Nga cũng sẽ phụ thuộc nhiều hơn với quốc gia châu Á.

Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc cũng đang đối mặt nhiều vấn đề trong nước, nên việc chấp nhận rủi ro để hỗ trợ một nước khác là điều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.