12:53 13/12/2022

Nhật Bản, Hà Lan bắt tay Mỹ siết kiểm soát xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc

Đức Anh

Liên minh ba quốc gia gồm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan sẽ gần như áp đặt phong tỏa hoàn toàn, khiến Trung Quốc khó có thể mua thiết bị cần thiết để sản xuất những con chip tiên tiến nhất hiện nay...

Mỹ hiện chiếm khoảng 12% thị phần bán dẫn toàn cầu, trong khi Nhật chiếm 15%, còn Đài Loan và Hàn Quốc đều nắm giữ khoảng 20% - Ảnh: Reuters
Mỹ hiện chiếm khoảng 12% thị phần bán dẫn toàn cầu, trong khi Nhật chiếm 15%, còn Đài Loan và Hàn Quốc đều nắm giữ khoảng 20% - Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin của Bloomberg, Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về mặt nguyên tắc về việc sẽ tham gia cùng Mỹ siết kiểm soát xuất khẩu máy móc sản xuất chip công nghệ cao cho Trung Quốc. Đây có thể là một đòn giáng với tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.

Nguồn tin cho hay, trong vài tuần tới, Nhật và Hà Lan có thể sẽ thông báo áp dụng ít nhất một số trong các biện pháp mà Mỹ đã đưa ra hồi tháng 10 để hạn chế bán thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các biện pháp này nhằm ngăn chặn quân đội Trung Quốc có được các con chip tiên tiến.

Với quyết định của Nhật và Hà Lan, liên minh ba quốc gia gần như áp đặt phong tỏa hoàn toàn khiến Trung Quốc khó có thể nhập khẩu thiết bị cần thiết để sản xuất những con chip tiên tiến nhất hiện nay.

Trước đó, hôm 7/10, Bộ Thương mại Mỹ công bố mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chip, phần mềm thiết kế chip và thậm chí hạn chế cả kỹ sư hỗ trợ hoạt động sản xuất chip ở Trung Quốc. 

 

Mỹ hiện chiếm khoảng 12% thị phần bán dẫn toàn cầu, trong khi Nhật chiếm 15%, còn Đài Loan và Hàn Quốc đều nắm giữ khoảng 20%. Ngoài Nhật và Hà Lan, Mỹ cũng đang kêu gọi các đồng minh khác như Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến cho Trung Quốc.

Mỹ đã hạn chế các công ty thiết bị trong nước gồm Applied Materials Inc, Lam Research Corp và KLA Corp. cung cấp hàng hóa cho Trung Quốc. Công ty bán dẫn Tokyo Electron của Nhật và công ty in thạch bản ASML Holding NV của Hà Lan là hai nhà cung cấp quan trọng khác mà Mỹ cần để các biện pháp hạn chế xuất khẩu của mình đạt hiệu quả tối đa. Do đó, việc kêu gọi thành công Chính phủ Nhật và Hà Lan cùng tham gia áp đặt các biện pháp này được xem là dấu mốc lớn đối với Washington.

Ngày 12/12, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các biện pháp hạn chế này đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu và lý do vì an ninh quốc gia của Mỹ là sự biện minh vô căn cứ.

Tuy nhiên, trên toàn cầu, ngày càng nhiều nước phản đối với tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc. Theo Bloomberg, tuần trước, các quan chức Hà Lan đã lên kế hoạch về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới sang Trung Quốc. Chính phủ Nhật cũng đã nhất trí áp đặt các hạn chế tương tự, nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Mỹ, Nhật và Hà Lan hiện là ba nước cung cấp máy móc và công nghệ sản xuất chip tiên tiếng hàng đầu thế giới.

Vào cuối tháng 11, quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Tarun Chhabra và Thứ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và An ninh Alan Estevez đã có mặt ở Hà Lan để thảo luận về các biện pháp siết xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã thảo luận vấn đề này với người đồng cấp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura tại một hội nghị truyền hình vào tuần trước.

Chính phủ Nhật và Hà Lan dự kiến áp đặt lệnh cấm xuất khẩu máy móc có khả năng sản xuất con chip 14 nm hoặc tiên tiến hơn cho Trung Quốc. Các biện pháp này tương đồng với quy định hạn chế xuất khẩu mà Mỹ đưa ra hồi tháng 10.

Con chip 14 nm đi sau ít nhất ba thế hệ so với con chip tiên tiến nhất trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, đây là công nghệ tiên tiến thứ hai mà công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC), sở hữu.

Mỹ hiện chiếm khoảng 12% thị phần bán dẫn toàn cầu, trong khi Nhật chiếm 15%, còn Đài Loan và Hàn Quốc đều nắm giữ khoảng 20%. Ngoài Nhật và Hà Lan, Mỹ cũng đang kêu gọi các đồng minh khác như Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến cho Trung Quốc.