Mỹ “sốt vó” khi Trung Quốc dọa dùng đất hiếm để trả đũa
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề nghị Chính phủ cấp thêm ngân sách để tăng cường hoạt động sản xuất đất hiếm trong nước
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề nghị Chính phủ cấp thêm ngân sách để tăng cường hoạt động sản xuất đất hiếm trong nước, giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc dọa sử dụng vị thế thống lĩnh của nước này trên thị trường đất hiếm toàn cầu để trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thương mại song phương.
Hãng tin Reuters dẫn là một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói rằng đề xuất trên được đưa ra trong một báo cáo gửi lên Nhà Trắng vào ngày 29/5. Đất hiếm là một nhóm gồm 17 khoáng sản khác nhau, được sử dụng với hàm lượng thấp nhưng không thể thiếu trong nhiều sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại thông minh (smartphone) như iPhone, cho tới động cơ xe hơi chạy điện, động cơ máy bay phản lực, thiết bị vệ tinh, máy phát tia laser…
Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều đất hiếm nhất thế giới, sở hữu tới 37% dự trữ đất hiếm và chiếm khoảng 95 sản lượng đất hiếm toàn cầu. Từ năm 2004-2007, Trung Quốc chiếm 80% lượng đất hiếm nhập khẩu của Mỹ.
Trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc gần đây đã thể hiện rõ quan điểm sẽ không ngại dùng đất hiếm làm "vũ khí". Một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày 29/5 có tựa đề "Hỡi nước Mỹ, đừng đánh giá thấp khả năng đáp trả của Trung Quốc", trong đó nói rằng Mỹ có sự phụ thuộc "không lấy làm dễ chịu" vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
"Liệu đất hiếm có trở thành một vũ khí đáp trả của Trung Quốc để chống lại sức ép phi lý mà Mỹ áp đặt? Câu trả lời không có gì là bí ẩn cả", bài báo viết.
Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, nói rằng khả năng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ đang ngày càng tăng. "Tôi cho rằng điều đó có thể xảy ra", ông nói.
Lầu Năm Góc đã nhiều lần cảnh báo về sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Một báo cáo năm 2018 của cơ quan này vạch rõ những điểm yếu liên quan đến đất hiếm trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ chiếm khoảng 1% nhu cầu đất hiếm của Mỹ, trong khi Mỹ chiếm khoảng 9% tổng nhu cầu đất hiếm toàn cầu, theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ hồi năm 2016.
Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ như Raytheon, Lockheed Martin hay BAE Systems đều sử dụng đất hiếm để sản xuất những sản phẩm vũ khí như tên lửa hành trình, chiến đấu cơ, thiết bị nhìn xuyên bóng tối… Mỗi chiến đấu cơ F35 Lightning được cho là cần 920 pound, tương đương khoảng 414 kg, đất hiếm.
Những tín hiệu từ Trung Quốc cho thấy nước này "đang sử dụng đến công cụ chính trị mạnh nhất của mình trong lĩnh vực tài nguyên" - ông Simon Moores, Giám đốc công ty nghiên cứu khoáng sản Benchmark Mineral Intelligence, nhận định. "Đất hiếm là một ‘đặc sản’ và có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bộ Quốc phòng Mỹ".
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), nước này nhập khẩu 160 triệu USD đất hiếm trong năm 2-18, tăng 17% so với 2017, nhưng giảm so với mức 519 triệu USD vào năm 2012.
Mỹ hiện chỉ có một mỏ đất hiếm duy nhất hoạt động là mỏ Mountain Pass ở California. Mỏ này khai thác khoảng 3.000-4.000 tấn đất hiếm mỗi tháng, nhưng toàn bộ đều phải xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến trước khi nhập khẩu trở lại.
Có ít nhất 3 công ty Mỹ đang xây dựng nhà máy chế biến đất hiếm. Tuy nhiên, trong số này chỉ có một nhà máy dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020, gần mỏ Mountain Pass. Hai nhà máy còn lại dự kiến sớm nhất năm 2022 mới khai trương.