Mỹ và châu Âu muốn tăng trừng phạt Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga trong chuyến thăm châu Âu tuần này...
Nhà Trắng vừa phát tín hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh châu Âu có ý định gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga khi cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ “không kết thúc dễ dàng và nhanh chóng”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến công bố các biện pháp bổ sung này trong chuyến thăm châu Âu tại Brussels, Bỉ từ ngày 23/3. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông dự kiến gặp các đối tác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tham dự thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu (EC) và nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7).
“Tổng thống Biden sẽ cùng với các đối tác của Mỹ áp dụng thêm biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời siết chặt các biện pháp hiện tại nhằm đáp trả cuộc tấn công của Nga tại Ukraine và đảm bảo việc thực thi đầy đủ các biện pháp đó”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết trong một cuộc họp báo ngày 22/3, dù không cung cấp chi tiết. “Cuộc chiến này sẽ không kết thúc dễ dàng hay nhanh chóng. Xin nói thêm rằng chuyến đi của ông Biden sẽ nhằm đảm bảo rằng các đồng minh châu Âu tiếp tục đoàn kết bằng cách gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi đã chuẩn bị và cam kết thực hiện trừng phạt Nga lâu dài”.
Ông Sullivan cũng cho biết Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận về những điều chỉnh trong dài hạn về sự hiện diện của NATO của sườn phía đông châu Âu cũng như các hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ tới Ba Lan để gặp gỡ các binh sĩ đang được triển khai tại đây để bảo vệ lãnh thổ của NATO cũng như các chuyên gia trong hoạt động ứng phó nhân đạo.
“Mỹ sẽ thông báo về việc hỗ trợ nhiều hơn cho những người tị nạn chạy khỏi các cuộc giao tranh ở Ukraine”, cố vấn an ninh quốc gia nói.
Chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh giao tranh giữa Nga và Ukraine ngày càng ác liệt, đặc biệt ở Mariupol – thành phố cảng có vị trí chiến lược nơi Moscow đang triển khai pháo kích từ biển Azov. Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Ukraine đang nỗ lực giành lại một số khu vực, đặc biệt ở phía Nam gần Kherson.
Theo ông Sullivan, Washington đang đẩy mạnh việc thực thi các biện pháp trừng phạt, tránh để Nga lách trừng phạt và ngăn chặn việc một số quốc gia làm suy yếu hoặc phá vỡ những biện pháp đã áp đặt.
“Chúng tôi đã áp dụng một lượng lớn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm duy trì và gia tăng áp lực theo thời gian. Điều quan trọng là đảm bảo thực thi hiệu quả”, ông nói.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng nhấn mạnh rằng cuộc tấn công của Nga đã đưa Mỹ và châu Âu đến gần nhau hơn, thay vì chia rẽ đôi bên.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Mỹ cùng nhiều nước châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế nước này. Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm tới giới tinh hoa của Nga, bao gồm các tỷ phú có quan hệ thân cận với Tổng thống Nga Vladimỉ Putin.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này cũng đang gây tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu khi là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu, khí đốt tăng mạnh và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.