08:56 03/10/2010

“Năm 2011, nợ công có thể ở mức 60% GDP”

Nguyên Thảo

Theo nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nợ công ở mức 60% GDP đã là con số trong ngắn hạn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định "trong trung hạn nợ công của Việt Nam là an toàn".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định "trong trung hạn nợ công của Việt Nam là an toàn".
Với tốc độ bội chi như hiện nay thì hết năm 2011 nợ công đã là 60% GDP, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -  Ngân sách Phùng Quốc Hiển giải thích về đề nghị trình Quốc hội khống chế nợ công không vượt quá 60% GDP ở báo cáo thẩm tra, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 2/10.

Người nêu ra băn khoăn với đề nghị nói trên là Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Bà cho biết bà cảm thấy “hơi lo” về con số 60% GDP. Vì, về nguyên tắc quản lý nợ công phải được tài trợ bằng thặng dư ngân sách ngày mai, tức là trong tương lai phải có nguồn ngân sách để trả nợ.

Hơn nữa, việc trả nợ, theo bà Mai,  không chỉ phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách mà còn phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi nếu cứ dựa vào vốn và lao động như hiện nay thì đến thời điểm nào đó tăng trưởng sẽ giảm dần.

Bà Mai cho biết, theo dự báo của một số tổ chức kinh tế thế giới, bắt đầu từ 2020 thì GDP của Việt Nam sẽ giảm dần. Như vậy thì rõ ràng không thể lấy nguồn ngân sách ra để trả lời là đã đủ điều kiện đưa mức nợ công đến gần 60% hay chưa.

“Đề nghị anh Hiển phân tích thêm, vì Quốc hội không bao giờ yên tâm nếu anh chỉ đưa ra con số đó. Vay thì phải trả, đủ điều kiện thì vay nhưng tôi xin nói là nợ công là vấn đề đang được Quốc hội rất quan tâm”, bà Mai nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đáp lời ngay, rằng nếu như hết năm 2011 cứ tốc độ bội chi này thì nợ công đã đến 60% GDP rồi. Cho nên 60% GDP  là mức trần của năm 2011. “Phấn đấu bằng 60% GDP là cả sự nỗ lực, tôi  sợ là số này chúng ta  không giữ được đâu. Đây là con số ngắn hạn chứ không phải là trung hạn hay dài hạn nữa”, ông Hiển nói.

Cũng liên quan đến vấn đề nợ công, tại phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã đưa ra con số nợ công của năm 2010 cao hơn tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (khoảng 52% GDP) và Ủy ban Tài chính – Ngân sách (52,6% GDP) của Quốc hội.

Theo đó, tính đến 31/12/2009 tổng số dư nợ công bằng 871.839 tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành, bằng 52,6% GDP, trong đó nợ chính phủ bằng 41,9%, nợ được chính phủ bảo lãnh bằng 9,8% GDP, nợ của chính quyền của địa phương bằng 0,8% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia bằng 38,8 GDP…

Bộ trưởng cũng cho biết, ước đến 31/12/2010 nợ công sẽ là 56,7% GDP. Nợ của Chính phủ 44,5% GDP và nợ nước ngoài của Quốc gia là 42,2% GDP.

Với các khoản vay nước ngoài phần lớn đều là vay dài hạn, với lãi suất ưu đãi, Bộ trưởng nhận định, hiện tại nợ công không gây sức ép cho ngân sách nhà nước về nghĩa vụ trả nợ đến hạn. “Các chỉ số nợ của Việt Nam đang ở mức an toàn và nợ công đang được quản lý chặt chẽ theo quy định của Luật Quản lý nợ công”, ông Ninh khẳng định.

Theo Bộ trưởng, các khoản nợ trong nước và nước ngoài đều được thanh toán đầy đủ, không có nợ xấu. Hàng năm ngân sách nhà nước bố trí trả nợ từ 14 -16% tổng số thu ngân sách (giới hạn cảnh báo là dưới 30%), bằng khoảng 4,5% xuất khẩu (giới hạn cảnh báo là dưới 25%).

Ông Ninh nhấn mạnh, đây là chỉ tiêu an toàn, so với các nước đang phát triển có cùng hệ số tín nhiệm thì chỉ số nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức trung bình.

Người đứng đầu ngành tài chính nhận định “trong trung hạn thì nợ công của Việt Nam là an toàn, nhưng về dài hạn thì phải  tính kỹ khi cơ cấu nợ thay đổi, vay ưu đãi ODA giảm dần và vay thương mại tăng lên do Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm nước nghèo theo tiêu chuẩn tài trợ ODA”.