Năm 2020, nợ công/GDP có xu hướng tăng trở lại
Dự kiến các chỉ tiêu nợ công, nợ Chỉnh phủ so với GDP có xu hướng tăng trở lại dưới tác động bất lợi vĩ mô nhưng vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/NĐ-CP về nhóm nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khung khổ pháp lý nhằm quản lý nợ công hiệu quả tiếp tục được cải thiện và tăng cường. Luật Quản lý nợ công 20/2017/QH14 ngày 23/11/2017 và các nghị định hướng dẫn đã được ban hành.
CUỐI NĂM 2020 NỢ CÔNG CÓ XU HƯỚNG TĂNG TRỞ LẠI
Đề án tái cơ cấu danh mục nợ trong nước giai đoạn 2017 - 2020 cùng cơ sở pháp lý phát hành công cụ nợ huy động vốn cho ngân sách nhà nước được ban hành đã hỗ trợ tái cơ cấu nợ Chính phủ theo hướng bền vững, giảm thiểu rủi ro về kỳ hạn nợ.
Cụ thể, nợ công giảm từ 61,4% GDP năm 2017 xuống còn khoảng 55% GDP cuối năm 2019. Tốc độ tăng nợ công giảm trung bình từ 18,1% năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 5%/năm giai đoạn 2017 -2019, đồng thời, lãi suất giảm dần, kỳ hạn vay tăng dần.
Đến cuối năm 2020, dự kiến các chỉ tiêu nợ công, nợ Chỉnh phủ so với GDP có xu hướng tăng trở lại dưới tác động bất lợi vĩ mô nhưng vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép.
Việc sử dụng và quản lý tài sản công cũng được hoàn thiện, giúp khai thác tài sản, kết cấu hạ tầng trong từng lĩnh vực, từng cơ quan Việt Nam ở Trung ương, địa phương và ở nước ngoài hiệu quả hơn.
Đối với pháp luật về ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nợ công, quản lý tài sản công tiếp tục được hoàn thiện. Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương nhưng phát huy tính chủ động của ngân sách các cấp. Hoàn thiện cơ chế quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giúp nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách cùng vưới tăng cường tính minh bạch, công khai trong quản lý ngân sách nhà nước.
Một báo cáo gần đây của Chính phủ về nợ công giai đoạn 2016 - 2020 cũng cho thấy, tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã giảm dần về mức 55% năm 2019, ước năm 2020 đạt 56,8%. Chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP giảm tương tứng từ 52,7% xuống 50,8% ước năm 2020. Tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019.
Năm 2021, dự kiến nợ công của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh. Mức vay, trả nợ của Chính phủ, của địa phương và các hạn mức nợ như trên, dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại), nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại).
ĐÃ CẮT GIẢM 50% ĐIỀU KIỆN KINH DOANH
Tại báo cáo này, Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, thể chế kinh tế tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi phát triển khu vực tư nhân. Trong giai đoạn 2017 - 2020, khung khổ pháp lý tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ được quan tâm, các doanh nghiệp này cũng được hỗ trợ tiếp cận các vấn đề pháp lý tốt hơn.
Trong 3 năm 2017 -2019, Chính phủ đã ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo liên quan tới cải cách điều kiện kinh doanh, cắt giảm, dỡ bỏ và đơn giản hoá 50% số điều kiện kinh doanh.
Đối với cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị của doanh nghiệp, tách quá trình xử lý đất đai khỏi quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại doanh ngihejep khác cũng được bảo toàn ở mức cao nhất.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ động lựa chọn các dự án có chuyển giao công nghệ tiên tiến. Cụ thể đã ban hành các định hướng quan trọng về hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế như quá trình cổ phần hoá còn chậm so với tiến độ đề ra, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa cao. Thể chế hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân chưa thực sự hiệu quả, doanh nghiệp khu vực này còn nhỏ, năng lực công nghệ tài chính hạn chế. Vai trò đầu tàu của doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.