16:12 23/12/2021

Năm 2021 chưa tăng, lương tối thiểu vùng còn lỡ hẹn đến bao giờ?

Phúc Minh

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đời sống người lao động đang rất khó khăn nên việc tăng lương tối thiểu càng trở nên cấp thiết sau thời gian dài chưa điều chỉnh...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại hội nghị về tiền lương của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2021 đã không được thực hiện.

Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, hiện hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động bình thường, bên cạnh các doanh nghiệp khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp phát triển tốt, có doanh nghiệp đột phá về doanh thu, lợi nhuận. Trong khi đó, đời sống của người lao động đang rất khó khăn trong khi năm 2021 lương tối thiểu chưa tăng, khiến yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn.

Liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 5 năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã yêu cầu các địa phương đánh giá việc thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng.

Qua đó, nhằm xem xét khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp cũng như những người sử dụng lao động trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng và trả lương cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Qua đó làm căn cứ đề xuất điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Lao động.

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021, Bộ này cho rằng do tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định lựa chọn, thống nhất phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Việc này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động.

Trước đó, trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tình hình việc làm, các chi phí để phục hồi hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn đang rất khó khăn, nên đề xuất tăng lương tối thiểu cần cân nhắc.

Trong bối cảnh này, các yếu tố giữa việc làm và tăng lương để cải thiện đời sống cần tính toán làm sao nhằm bảo đảm sức dư của doanh nghiệp để phục hồi, sản xuất thì sẽ hài hòa hơn.

Các chuyên gia cũng nhận định, trong năm 2021 cả nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, do đó khả năng tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 là rất khó. 

Theo quy định tại Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Hiện nay, theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.