Năm 2022 tiềm ẩn nhiều bất ổn, cần gắn các chỉ tiêu phát triển kinh tế với tình hình dịch bệnh
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho rằng cần có hai phương án kịch bản cho GDP và các chỉ tiêu khác gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh để chủ động ứng phó trong năm tới...
Tại phiên họp toàn thể lần thứ hai mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu thống nhất rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cần tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; song cũng cần xác định các mục tiêu ưu tiên.
NĂM 2022: TẬP TRUNG VÀO CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ THÍCH ỨNG VỚI DỊCH, KHÔI PHỤC KINH TẾ
Tại phiên họp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu, trong đó có GDP ước chỉ đạt 3,5-4% (mục tiêu là khoảng 6%).
Về dự kiến kế hoạch năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tuy năng lực và khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Trong khi đó, còn tiềm ẩn nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, khu vực; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục là nguy cơ thường trực.
Theo Thứ trưởng, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.
Trong đó, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 5,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92%...
Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có 5 cân đối lớn về tích lũy - tiêu dùng, ngân sách nhà nước, xuất, nhập khẩu, điện, lương thực, trong đó quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 9,3-9,4 triệu tỷ đồng (trong đó tiêu dùng cuối cùng chiếm khoảng 68% GDP); bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4% GDP; xuất, nhập khẩu ước nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, sản lượng điện thương phẩm tăng khoảng 8,4-9,1%; bảo đảm cân đối lương thực.
Về nhiệm vụ giải pháp cho năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biêt, định hướng là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội.
"Trong đó, triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp để 'thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19'. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022", Thứ trưởng cho biết.
Song song với đó, tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch như: xét nghiệm, 5K, vaccine, thuốc đặc trị, công nghệ, các biện pháp khác. Đẩy mạnh tiếp cận, đàm phán, mua vaccine và thuốc điều trị Covid-19; hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước; sớm triển khai việc tiêm vaccine cho trẻ em, nghiên cứu phương án tiêm mũi tăng cường.
Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại… để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng: hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh...
XÂY DỰNG KỊCH BẢN GDP, GẮN CHỈ TIÊU VỚI TÌNH HÌNH KIỂM SOÁT DỊCH
Tại phiên họp, thảo luận về các chỉ tiêu đề ra cho năm 2022, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, mục tiêu năm 2022 được nêu đầy đủ toàn diện các lĩnh vực nhưng thiếu mục tiêu mang tính chất điểm nhấn trong tình hình hiện nay. Đại biểu cho rằng cần phân định mục tiêu ưu tiên và mục tiêu thường xuyên để có giải pháp tập trung ưu tiên đầu tư thực hiện trước nhất.
"Chính phủ đã chuyển dịch từ 'Zero Covid' sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn cứng nhắc trong chống dịch. Vì thế, cần đưa mục tiêu trên vào kế hoạch năm sau để thống nhất quan điểm và thống nhất trong thực hiện", ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra.
Trên cơ sở đó, ông cho rằng cần có hai phương án kịch bản cho GDP và các chỉ tiêu khác gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh để chủ động ứng phó, hơn nữa năm 2022 tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý đến kiến nghị để doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch với cơ quan nhà nước, để doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng là pháo đài chống dịch và người công nhân cũng là chiến sĩ chống dịch, tham gia tích cực phục hồi nền kinh tế. Song song với đó cũng cần tiếp tục quan tâm đến cải cách thể chế, tập trung cho quy hoạch, thúc đẩy liên kết vùng.
Cũng tham gia thảo luận, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng đây là những chỉ tiêu khá cao, trong bối cảnh dịch bênh còn tác động trong dài hạn.
Theo đại biểu, chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5% là bằng 2021, tuy nhiên năm nay chỉ tiêu này không đạt.
"Hiện nay, diễn biến dịch dự báo vẫn còn phức tạp, kéo dài, tác động từ các biện pháp phòng, chống dịch đến người dân, nhất là những người nghèo vẫn chưa tính được hết, nên sắp tới vẫn khó khăn để đạt được chỉ tiêu về giảm nghèo", đại biểu Nguyễn Quốc Luận chỉ ra.
Ngoài ra, đại biểu cũng ghi nhận các nhiệm vụ giải pháp đề ra để thực hiện cho năm 2022 là căn cơ, bài bản, nếu thực hiện tốt sẽ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2022 và làm tiền đề cho các năm tiếp theo.
Trong khi đó, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải đề nghị làm rõ nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022 là cần ưu tiên đầu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài những gói hỗ trợ an sinh xã hội đã triển khai trong năm 2021, đại biểu cho rằng cần sớm có kế hoạch nghiên cứu về gói hỗ trợ phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới.