Năm 2023, du lịch Đà Nẵng tăng trưởng mạnh
Theo số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng, năm 2023, tổng lượt khách du lịch do cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ đạt 7,94 triệu lượt, tăng 98,4% so với năm 2022. Khu vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ của kinh tế thành phố sau đại dịch Covid-19…
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2023, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, nhận định trong năm vừa qua, kinh tế thế giới và trong nước, cũng như thành phố Đà Nẵng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhưng nhờ việc ban hành những chính sách quan trọng kịp thời của Trung ương, chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, Đà Nẵng đã thực hiện được mục tiêu “giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Ông Vũ cũng thẳng thắn nhìn nhận về xu hướng tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Đà Nẵng là thiếu ổn định qua các quý; một số lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, đặc biệt là các nước là đối tác của thành phố.
Diễn biến tăng trưởng qua các quý không đồng đều và phụ thuộc phần lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ tăng 2,58% so với năm 2022 (không đạt chỉ tiêu đề ra); trong đó quý 1 tăng7,49%, quý 2 giảm 0,60%, quý 3 tăng 1,22%, quý 4 ước tăng 2,82%. Mức tăng chung cả năm 2023 thấp hơn mức tăng bình quân của giai đoạn 2021-2023(5,51%/năm).
Tuy nhiên, theo ông Vũ, xét về quy mô nền kinh tế thành phố năm 2023 theo giá hiện hành, vẫn đạt được 134.247 tỷ đồng, mở rộng 9.728 tỷ đồng so với năm 2022; trong đó phần mở rộng tập trung ở VA khu vực dịch vụ với 8.923 tỷ đồng, chiếm 91,72%. Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 3/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
GRDP bình quân đầu người ước đạt 107,8 triệu đồng/người, tăng 3,4% so với năm 2022, cao hơn hẳn so với bình quân giai đoạn từ năm 2019-2022 (bình quân tăng 2,42%/năm); Năng suất lao động chung toàn nền kinh tế ước đạt 212,1 triệu đồng/người, tăng 1,6% so với năm 2022 (sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá), trong khi đó cả giai đoạn 2019-2022 NSLĐ của Đà Nẵng chỉ tăng 1,02%.
Từ những con số thống kê nêu trên, có thể thấy mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2023 chỉ tăng nhẹ (2,58%) nhưng quy mô mở rộng nền kinh tế đạt khá (tăng gần 10 ngàn tỷ đồng), năng suất lao động và thu nhập người dân cũng được cải thiện đáng kể, nhu cầu tiêu dùng trong dân duy trì xu hướng phục hồi và tăng dần qua từng năm kể từ sau đại dịch Covid-19.
Ông Vũ khẳng định: năm 2023, khu vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế thành phố Đà Nẵng, một số ngành duy trì tăng trưởng khá cao; ước VA khu vực này tăng 4,1% so với năm trước. Trong đó, một số ngành tăng trưởng khá cao phải kể đến như: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 41,79%, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,83%, dịch vụ khác tăng 30,68%.
Nhấn mạnh đến những lĩnh vực đạt tốc độ tăng trưởng cao, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho rằng lĩnh vực Thương mại và du lịch vẫn là điểm sáng về tăng trưởng trong năm 2023; Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 127 ngàn tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2022, trong đó doanh thu dịch vụ, lưu trú ăn uống tăng 33,9%, doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch tăng 133,8%, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tăng 22,9%.
Tổng lượng khách du lịch do các cơ sở lưu trú của thành phố phục vụ năm 2023 đạt 7,94 triệu lượt, tăng 98,4%; trong đó khách quốc tế đạt 1,99 triệu lượt, cao gấp 4,2 lần so với năm 2022; khách trong nước đạt 5,4 triệu lượt, tăng 66,1%. Bên cạnh đó, các hoạt động vận tải, kho bãi, bưu chính chuyển phát năm 2023 đạt gần 34.784 tỷ đồng, tăng 31,6%; doanh thu ngành thông tin truyền thông đạt 17.598 tỷ đồng, quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 9.841 tỷ đồng, mở rộng hơn 768 tỷ đồng so với năm 2022…
Riêng lĩnh vực xuất, nhập khẩu năm 2023 của Đà Nẵng giảm sâu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.015 triệu USD, giảm 16% so với năm 2022, điều này phản ánh tác động tích lũy của nhu cầu ngoài nước suy giảm; kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn, căng thẳng thương mại, lạm phát… đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.