15:23 28/12/2023

Bộ Giao thông vận tải giải ngân vốn đầu tư công kỷ lục, tạo đột phá về hạ tầng giao thông

Ánh Tuyết

Năm 2023, dù được giao vốn đầu tư công kỷ lục, lên đến 114.000 tỷ đồng, cao nhất cả nước nhưng Bộ Giao thông vận tải tiếp tục dẫn đầu và là một trong những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao. Đây cũng là năm ghi nhận nhiều dấu ấn, sự đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm quốc gia...

Đến hết tháng 12/2023 ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đến hết tháng 12/2023 ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

THI CÔNG THẦN TỐC ĐEM LẠI DIỆN MẠO MỚI

Năm 2023, khối lượng công việc của Bộ Giao thông vận tải được giao đặc biệt lớn, với nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách, phức tạp. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, khẳng định năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến.

Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải khởi công 26 dự án, gồm 18 dự án đường bộ, 2 dự án đường thủy; 3 dự án đường sắt; 2 dự án hàng hải và 1 dự án khối xây dựng là dự án cải tạo trụ sở Bộ.

Sát cánh cùng Bộ Giao thông vận tải, nhiều địa phương chuẩn bị thần tốc để khởi công dồn dập nhiều dự án trọng điểm quốc gia từ đầu năm 2023, nổi bật là 12 dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hai dự án vành đai: Vành đai 3 TP.HCM,  Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất... Cả nước trở thành đại công trường, khí thế thi công hừng hực tại hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc, một số cảng hàng không và các công trình giao thông trọng yếu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải họp định kỳ hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, rõ trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở; chủ động, quyết liệt xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ của ngành.

Bộ Giao thông vận tải phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” với tinh thần “Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa”, để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu nhằm đẩy nhanh tiến độ đi cùng với việc bảo đảm chất lượng.

 

"Đến nay hoàn thành 20 dự án (đường bộ 17 dự án; hàng hải 01 dự án; đường thủy 02 dự án). Trong đó có 09 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475 km nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km".

Bộ Giao thông vận tải. 

Trước những kết quả ngành giao thông vận tải đạt được năm vừa qua, ông Phan Xuân Dũng được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, bày tỏ kết quả này làm nức lòng người dân và ảnh hưởng tích cực đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu ngành giao thông vận tải thực hiện vừa qua rất ấn tượng, đáng tự hào và tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là giao thông đường bộ.

Cũng theo ông Dũng, ngành giao thông vận tải sử dụng ngân sách nhà nước và xã hội vào loại bậc nhất, vì vậy, đây là thị trường lớn cho doanh nghiệp, khoa học công nghệ Việt Nam.

"Bộ Giao thông vận tải trao thị trường này cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là lĩnh vực cơ khí vì người Việt Nam có trí tuệ và có thể triển khai tốt, cầu Bạch Đằng, Mỹ Thuận 2 là minh chứng", Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật mong đợi. Hiện doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và chỗ đứng trên trường quốc tế.

Ngoài ra, công tác lập quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải đặc biệt chú trọng và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ, tham gia ý kiến đầy đủ, kịp thời các nội dung liên quan đến quy hoạch do các bộ, ngành, địa phương gửi đến.

Bộ Giao thông vận tải cũng đang tập trung triển khai xây dựng hai đề án rất quan trọng về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không và chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là hai đề án lớn, rất phức tạp, chưa có tiền lệ, thực hiện trong thời gian dài.

Trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện. Đến nay, đề án đã trình và được Thường trực Chính phủ cho ý kiến để báo cáo cấp có thẩm quyền.

GIẢI NGÂN KỶ LỤC

Năm vừa qua, các nhà thầu, đơn vị thi công trong bối cảnh tình hình cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp khá căng thẳng, thời tiết, thiên tai diễn biến hết phức tạp khó lường, nội lực của các doanh nghiệp gặp nhiều thử thách...

Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án xây dựng tiến độ giải ngân cụ thể hàng tháng bám sát thực tế, tổ chức, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, bổ sung nhân sự phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý dự án, cá thể hóa trách nhiệm các chủ thể trong từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình thanh toán.

Bộ cũng yêu cầu các nhà thầu thi công bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, đồng thời làm việc trực tiếp với lãnh đạo địa phương, để giải quyết vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân. 

Năm nay, Bộ Giao thông vận tải lập kỷ lục về giải ngân vốn đầu tư công khi được giao 114.000 tỷ đồng. Trong đó, số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao vượt rất nhiều so với kế hoạch xây dựng của Bộ (khoảng 71 nghìn tỷ đồng), lớn nhất từ trước tới nay và gấp 1,7 lần năm 2022; gấp 2,2 lần năm 2021, với khoảng 94.161 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ được giao nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng để phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực.

Vì vậy, kết quả giải ngân hằng tháng của Bộ Giao thông vận tải luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.

 

Đến hết tháng 12/2023 ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%, cao hơn bình quân chung cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Nổi cộm là thời gian qua, mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân.

Cùng với đó, việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Bộ Giao thông vận tải rút ra một số bài học kinh nghiệm để triển khai thành công các nhiệm vụ được giao. Một là, phải bám sát các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tổ chức quán triệt, lan tỏa sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Hai là, nắm chắc tình hình thế giới, diễn biến trong nước, bám sát thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Điều hành đồng bộ, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải.

Ba là, quá trình chỉ đạo điều hành phải đảm bảo kỷ cương, linh hoạt, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân tất cả các chủ thể trong từng việc, từng khâu đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Bốn là, cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo; các nhiệm vụ của ngành phải được chủ động triển khai từ những ngày đầu, tháng đầu, với phương châm “từ sớm, từ xa”; đi đôi với việc triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát.

Năm là, nhiệm vụ đột phá phát triển kết cấu hạ tầng trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ cần phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành trung ương, sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị các địa phương, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.

 

Năm 2024, Bộ Giao thông vận tải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án trong năm 2024. Đồng thời, phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.