08:38 07/04/2022

Nắm tin nội bộ, sếp doanh nghiệp Trung Quốc thoát lỗ hàng tỷ USD nhờ bán cổ phiếu đúng thời điểm

Hoài Thu

Tờ Wall Street Journal mới đây dẫn một phân tích hàn lâm về các báo cáo nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết nhiều giám đốc của các công ty Trung Quốc đã bán một lượng lớn cổ phiếu ngay trước khi giá lao dốc...

Alibaba hiện niêm yết cổ phiếu ở Mỹ và Hồng Kông - Ảnh: Reuters
Alibaba hiện niêm yết cổ phiếu ở Mỹ và Hồng Kông - Ảnh: Reuters

Đây là những công ty đặt trụ sở tại Trung Quốc nhưng niêm yết tại Mỹ. Những giám đốc này đã tránh được khoản lỗ ít nhất 10 tỷ USD nhờ bán cổ phiếu ngay trước khi giá sụt mạnh trong giai đoạn từ năm 2016 và giữa năm 2021.

Theo phân tích trên, một năm sau khi những người này bán ra lượng lớn cổ phiếu, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp giảm bình quân 21%. Điều này đồng nghĩa nhóm người nội bộ này đã tránh được khoản lỗ mà những nhà đầu tư khác phải chịu.

Phân tích cũng chỉ ra rằng, sau các giao dịch của thành viên nội bộ trong doanh nghiệp Mỹ, giá cổ phiếu của các công ty Mỹ tăng bình quân 2% trong cùng giai đoạn.

GIAO DỊCH ĐÁNG NGỜ LIÊN QUAN  MỘT GIÁM ĐỐC ALIBABA

Một trường hợp như trên xảy ra với cổ phiếu Alibaba Group Holding Ltd. vào năm 2020. Tháng 10 năm đó, công ty con công nghệ tài chính Ant Group Co. của Alibaba đang chuẩn bị cho niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) – động thái được kỳ vọng có thể làm tăng giá trị của 1/3 cổ phần Ant Group mà Alibaba đang nắm giữ.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu “định mệnh” vào cuối tháng đó, người đồng sáng lập Alibaba, Jack Ma, đã “chọc giận” các nhà lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc, dẫn tới lệnh đình chỉ thương vụ IPO của Ant Group. Giá cổ phiếu Alibaba lập tức lao dốc 8% trên sàn chứng khoán New York vào ngày quyết định đình chỉ được công cố ngày 3/11/2020.

Tuy nhiên, một ngày trước thông báo trên, một thực thể thuộc quyền kiểm soát của một nhân vật nội bộ Alibaba đã bán 150 triệu USD cổ phiếu này, theo các báo cáo gửi SEC. Thực thể này có tên Sky Scraper Enterprises Ltd. và hiện chưa rõ chính xác ai là người kiểm soát công ty này.

Ông Jack Ma trong bài phát biểu "định mệnh" vào cuối tháng 10/2020, trong đó thúc giục các nhà quản lý Trung Quốc cải tổ thị trường tài chính - Ảnh: Weibo
Ông Jack Ma trong bài phát biểu "định mệnh" vào cuối tháng 10/2020, trong đó thúc giục các nhà quản lý Trung Quốc cải tổ thị trường tài chính - Ảnh: Weibo

Nhưng dù là ai thì đây được cho là một trong những giám đốc được trả lương cao nhất tại Alibaba và được thưởng một lượng lớn cổ phiếu, theo tờ Financial Times đưa tin trước đó. Thương vụ diễn ra đúng thời điểm đã giúp người này tránh được khoản lỗ hàng trăm triệu USD khi cổ phiếu Alibaba lao dốc.

Theo báo cáo gửi SEC, Alibaba cho biết thương vụ này được thực hiện theo một kế hoạch đã được thông qua 2 tháng trước đó, đúng quy định 10b5-1 của SEC trong giao dịch cổ phiếu.

Các nhà phân tích cho biết, những kế hoạch như thế này thường được thông qua khi nhân vật nội bộ không có thông tin không công khai nào được đánh giá là có thể ảnh hưởng tới giá cổ phiếu.

Một người phát ngôn của Alibaba cho biết công yêu cầu thông báo về kế hoạch giao dịch trước 60 ngày.

“Rất bất hợp lý khi nói rằng kế hoạch bán cổ phiếu của SkyScraper Limited vào đầu tháng 9/2020 được định sẵn để thực hiện trước những thách thức bất ngờ mà Ant đối mặt 2 tháng sau đó”, người phát ngôn của Alibaba nói.

LỖ HỔNG TRONG LUẬT CHỨNG KHOÁN

Theo các nhà nghiên cứu thực hiện phân tích trên – bao gồm cựu ủy viên SEC Robert Jackson, và Bradford Lynch, Daniel Taylor của Đại học Pennsylvania, lỗ hổng trong luật chứng khoán là một phần nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt trong kết quả của các giao dịch của thành viên nội bộ ở công ty Mỹ và Trung Quốc.

Tại Mỹ, các giám đốc và cổ đông lớn phải công bố thông tin về giao dịch của mình trong vòng 2 ngày trong một báo cáo đăng tải trên trang web của SEC và nhà đầu tư được tự do tiếp cận.

“Điều này có thể ngăn chặn hành vi xấu: Không ai muốn bị nhà đầu tư hoặc truyền thông giám sát việc bán cổ phiếu mà có vẻ được thực hiện đúng thời điểm của mình”, các nhà nghiên cứu chỉ ra.

Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, một phần nhằm lôi kéo các công ty nước ngoài niêm yết tại Mỹ, các nhà quản lý đã miễn trừ quy định đó cho giám đốc và cổ đông lớn của những công ty này.

Thay vào đó, các giao dịch tương lai của họ được báo cáo bằng giấy theo mẫu và gửi tới trụ sở của SEC tại Washington. Tại đây, các báo cáo được lưu trong tủ hồ sơ trong 3 tháng. Về mặt kỹ thuật, các báo cáo này vẫn có sẵn dành cho các nhà đầu tư tò mò có thời gian, nhưng lại được che chắn hiệu quả. Trong một luận văn mới của mình, ba nhà nghiên cứu nói trên, thúc giục các nhà chức trách bịt lỗ hổng này.

Để thực hiện phân tích trên, các nhà nghiên cứu đã xem hét hơn 100.000 báo cáo như thế này, được biết đến là Mẫu 144s, được nộp trong khoảng thời gian từ năm 2016 và 2021 và được thu thập bởi hãng cung cấp dữ liệu Washington Service. Sau đó, họ tiến hành theo dõi diễn biến giá của cổ phiếu các doanh nghiệp này sau khi giao dịch được thực hiện.

Kết quả cho thấy, nhân vật nội bộ tại các doanh nghiệp niêm yết ở Mỹ có trụ sở tại 8 quốc gia nước ngoài đã tránh được khoản lỗ 11,9 tỷ USD trong giao đoạn này. Trong đó, doanh nghiệp Trung Quốc chiếm đa số, theo sau là doanh nghiệp Nga, Cayman Islands và Hà Lan.

Hai trường hợp gần đây nhất được chỉ ra là giao dịch cổ phiếu của các giám đốc tại 2 hãng công nghệ iQIYI và Vipshop vào năm ngoái.

iQIYI niêm yết trên sàn Nasdaq ngày 30/3/2018 - Ảnh: Yuan Images
iQIYI niêm yết trên sàn Nasdaq ngày 30/3/2018 - Ảnh: Yuan Images

Tháng 3/2021, các giám đốc hàng đầu tại iQIYI Inc., nền tảng chia sẻ video Trung Quốc đang niêm yết trên sàn Nasdaq, đã bán 125 triệu cổ phiếu trong vòng vài ngày. Chỉ trong hai tháng sau, mã này đã mất giá gần 50% và tới tháng 10 giảm thêm hơn 60% giá trị.

Cũng trong khoảng thời gian này, các giám đốc tại công ty thương mại điện tử Trung Quốc Vipshop Holdings Ltd., hiện niêm yết trên sàn chứng khoán New York, cũng bán hơn 250 triệu cổ phiếu ở mức giá gần kỷ lục. 6 tháng sau đó, mã này lao dốc hơn 70%.

Nếu đây là các công ty Mỹ, những giao dịch như thế này sẽ được báo cáo lên Edgar, trang web báo cáo doanh nghiệp của SEC, và lập tức được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, giao dịch của các giám đốc lại được gửi dưới dạng văn bản tới trụ sở của SEC và đăng lên một trang web khó hiểu của SEC.

Các công ty hiện vẫn được lựa chọn gửi bản cứng để thông báo về những giao dịch kiểu này. Và những báo cáo đã được gửi qua đường bưu điện kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã không được biết tới bởi phòng chứa hồ sơ của SEC đóng cửa để phòng dịch. Cựu Chủ tịch SEC Jay Clayton, trước khi rời nhiệm sở vào cuối năm 2020, đã đề xuất yêu cầu các doanh nghiệp nộp báo cáo điện tử. Tuy nhiên, đề xuất này đến nay chưa được thực hiện.