Nâng cấp sân bay Côn Đảo: Cục Hàng không kiến nghị giữ nguyên vai trò khai thác cảng hàng không của ACV
Theo quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 1533/2021/QĐ-BGTVT, giai đoạn đến năm 2030 sân bay Côn Đảo phải triển khai đồng bộ bốn nhóm dự án thành phần. Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất ba phương án cải tạo, nâng cấp sân bay này...
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo đến nay vẫn bám sát tiến độ. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án, dự kiến sau khi được ký kết hợp đồng trong tháng 5 sẽ trình thẩm định và phê duyệt báo cáo FS trong tháng 7/2022 sắp tới.
ĐỀ XUẤT BA PHƯƠNG ÁN ĐẦU TƯ
Để triển khai đồng bộ các hạng mục công trình thiết yếu nhằm bảo đảm khi sân bay Côn Đảo đưa vào khai thác sau khi hoàn thành dự án nâng cấp, cải tạo, Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải ba phương án đầu tư.
Phương án 1, ACV đầu tư các hạng mục công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách, hạ tầng kết nối đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt trong giai đoạn 2022 - 2025. Cục Hàng không Việt Nam đầu tư dự án đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) triển khai đầu tư hệ thống bảo đảm hoạt động bay. Các công trình cung cấp dịch vụ hàng không như kho xăng dầu hàng không Bộ Giao thông vận tải kêu gọi đầu tư.
Ưu điểm của phương án này là giữ nguyên vai trò khai thác cảng hàng không, sân bay của ACV, bảo đảm sự ổn định và vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia là kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Thời gian thực hiện tối ưu nhất.
Cũng theo Cục Hàng không, trường hợp giao ACV thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay sẽ giảm được thời gian trong việc trình phê duyệt đề án xã hội hóa cũng như xây dựng phương án, hồ sơ, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khác, ước tính khoảng 2 - 3 năm.
Phương án 2, trường hợp ACV không đầu tư các hạng mục công trình trên trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ thực hiện xã hội hoá toàn cảng hàng không.
Với phương án này, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xã hội hóa kết cấu hạ tầng cảng hàng không để làm cơ sở triển khai. Sau khi đề án xã hội hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện xã hội hóa toàn bộ cảng hàng không Côn Đảo theo đề án xã hội hóa được duyệt và kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban nhan dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, phương án này có nhiều nhược điểm. Cụ thể, phải triển khai lại các thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án. Phải xác định tài sản và lên phương án xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại cảng hàng không Côn Đảo. Phải làm việc với Bộ Quốc phòng để bàn giao đất quốc phòng tại cảng hàng không Côn Đảo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh (Bà Rịa – Vũng Tàu) để thực hiện kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng hàng không Côn Đảo theo hình thức đối tác công tư PPP.
Phương án 3, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xã hội hoá hạng mục nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay theo quy hoạch.
Cụ thể, đường cất hạ cánh, đường lăn thì Cục Hàng không Việt Nam vẫn thực hiện theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Hệ thống bảo đảm hoạt động bay như đài kiểm soát không lưu, hệ thống quan trắc thời tiết tự động (AWOS) và hạ tầng đồng bộ do VATM triển khai đầu tư. Nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ sẽ do Bộ Giao thông vận tải kêu gọi đầu tư đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, phương án 3 có nhược điểm tương tự phương án 2. Cụ thể, ở phương án 2, khi khai thác là cho ACV thuê lại toàn bộ sân đỗ tmáy bay để bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không chỉ có một đơn vị khai thác cảng hàng không, sân bay. Khi hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho nhà nước.
KIẾN NGHỊ GIỮ NGUYÊN VAI TRÒ KHAI THÁC SÂN BAY CỦA ACV
Trên cơ sở các ưu và nhược điểm của ba phương án nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải chọn phương án 1 đồng thời đề nghị Bộ này làm việc với Uỷ ban quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm phê duyệt kế hoạch đầu tư của ACV giai đoạn 2021 – 2025; trong đó có các công trình như nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch tại cảng hàng không Côn Đảo.
Kế hoạch triển khai dự án như sau: Trong năm 2022 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; năm 2023 tiến hành lựa chọn nhà thầu thi công; năm 2024 hoàn thành dự án đầu tư đường cảng hàng không, đường lăn cảng hàng không Côn Đảo.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ đóng cửa sân bay Côn Đảo từ tháng 4 đến tháng 12/2023, để tiến hành nâng cấp, cải tạo.
Các nhóm dự án phải được triển khai đồng bộ theo Quyết định 1533, đó là: Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, Cục Hàng không được giao làm chủ đầu tư. Công trình đài kiểm soát không lưu, hệ thống trạm khí tượng hàng không do VATM có trách nhiệm đầu tư. Công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng dùng chung như đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước do ACV chịu trách nhiệm đầu tư; công trình kho xăng dầu hàng không, triển khai thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tổng mức đầu tư dự kiến của ba công trình với ba chủ đầu tư gồm Cục hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, đối với ba nhóm dự án (công trình) nêu trên khoảng hơn 3.794 tỷ đồng.
Sân bay Côn Đảo được quy hoạch công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm, có thể khai thác máy bay code C hoặc tương đương, có 8 vị trí đỗ máy bay. Việc đầu tư kéo dài đường cất/hạ cánh, thêm vị trí đỗ máy bay để có thể khai thác được các dòng máy bay tầm trung như A320/321, thay vì chỉ khai thác được máy bay cỡ nhỏ như ATR72 và tương đương như hiện nay.