09:39 24/01/2008

Nâng lãi suất, nhà băng vẫn ế

Có ngân hàng đã rầm rộ tung ra chương trình khuyến mãi huy động cuối năm, nhưng người đến gửi tiết kiệm vẫn hiu hắt

VND trở nên khan hiếm do nhu cầu vốn cuối năm gia tăng, đẩy lãi suất tăng lên.
VND trở nên khan hiếm do nhu cầu vốn cuối năm gia tăng, đẩy lãi suất tăng lên.
Lãi suất vay tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng lại tăng, phản ánh lượng cầu tiền đồng tăng lên để ngân hàng cho doanh nghiệp vay cuối năm.

Với việc ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cùng với việc nâng lãi suất hút đầu vào, các nhà băng lại thêm một phen mệt mỏi những ngày cuối năm.

Khan hiếm VND

Nhu cầu thanh toán bằng tiền đồng của doanh nghiệp tăng đều đặn cuối năm. Nhu cầu vay tiền đồng tăng cao đã đẩy lãi suất cho vay của các kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục “nóng”.

Trong tuần lễ từ 7 – 12/1, lãi suất cho vay qua đêm, một tuần và hai tuần lần lượt tăng thêm 1,22%, 1,2% và 1,1%, lên mức 7,5 – 8%. Các kỳ hạn dài hơn thay đổi ít hơn, nhưng vẫn tăng đến 0,46% cho kỳ hạn một tháng và 0,3 – 0,35% cho kỳ hạn một năm. Lãi suất các khoản vay ngắn hạn đạt bằng lãi suất tín phiếu một năm 7,75%, nên đã đẩy lãi suất các khoản vay kỳ hạn dài hơn tăng cao.

Việc thiếu hụt tiền đồng trong thời gian này được minh chứng bằng việc ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng thương mại cổ phần 6 ngàn tỉ đồng thông qua hợp đồng mua lại.

Chi tiết giao dịch không thay đổi, kỳ hạn một tuần ở mức lãi suất 8%. Do lượng người mua ngày một tăng, ngân hàng Nhà nước tăng gấp đôi khối lượng phát hành lên 2 ngàn tỉ đồng một ngày vào thứ sáu (11/1).

Ngày 16/1, ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Theo đó, quy định mở rộng diện các loại tiền gửi phải dự trữ bắt buộc bao gồm các loại tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn. Điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% đối với các loại tiền gửi so với tỷ lệ quy định hiện nay. Cụ thể, đối với VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được tăng từ 10% lên 11%...

Với thời hạn thanh toán IPO của Vietcombank vào đầu tuần này, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng dự báo sẽ còn tăng nhiều hơn nữa. Một mặt nào đó, lãi suất tăng cao là kết quả của việc ngân hàng Nhà nước kiềm chế lạm phát thông qua việc kiểm soát lượng tiền lưu thông.

Khó hút tiền tiết kiệm

Theo thông tin từ ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước trao đổi sẽ không tăng lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, đây là một áp lực không nhỏ mà nhiều nhà băng quy mô vừa và nhỏ phải đương đầu. Bởi, để cạnh tranh hút vốn, hiện lãi suất huy động của họ đã cao nhất thị trường.

Nhưng phần lớn công chúng vẫn chưa quen với thương hiệu của họ, nên nguồn huy động vào còn nhiều khó khăn. Nay tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ, và buộc phải “kìm” lãi suất đầu ra để giữ khách hàng, họ càng lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”.

Có ngân hàng đã rầm rộ tung ra chương trình khuyến mãi huy động cuối năm, nhưng người đến gửi tiết kiệm vẫn hiu hắt. Quá lo lắng cho nguồn huy động cuối năm, ngân hàng này mới đây buộc phải nâng lãi suất huy động lên cao hơn những ngân hàng có vị thế mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng vắng khách chưa được cải thiện nhiều sau khi lãi suất được nâng.

Mới đây hàng loạt các ngân hàng khác đã nâng lãi suất huy động, không chỉ tiền đồng, mà cả lãi suất ngoại tệ và vàng, để đáp ứng lượng cung tiền cho vay cuối năm và đa dạng hoá nguồn vốn huy động.

Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng miền Tây (Western Bank) cho rằng, cuộc đua tăng lãi suất sẽ vẫn không dừng ở đây. Qua tết, lãi suất sẽ có một nấc thang mới.

Lý do, theo ông, ngoài sự chen chân của ít nhất 6 ngân hàng nước ngoài được phép mở chi nhánh trong năm nay, 4 – 5 ngân hàng thương mại cổ phần mới trong nước vừa được cấp phép ra đời sẽ bắt đầu bước vào thị trường, lôi kéo khách hàng trước hết bằng những mức lãi suất cao. Vì vậy, để tránh khỏi tình trạng “ế” khách, cuộc chiến về lãi suất dự đoán sẽ bùng nổ những tháng tới.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải cố gắng nâng lãi suất tiết kiệm lên, để xua tan ám ảnh nơi người dân về mức lãi suất thực âm, trong bối cảnh vật giá leo thang.