09:39 20/08/2008

Năng lượng, tâm điểm tranh cử Tổng thống Mỹ

Trung Việt

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đưa ra lộ trình đưa nước này thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu lửa từ Trung Đông và Venezuela

Ông Barack Obama (trái) và ông John McCain.
Ông Barack Obama (trái) và ông John McCain.
Trong những lần tranh luận gần đây và nhất là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên hôm 16/8, tại bang California, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, Barack Obama và John McCain đã tranh luận khá gay gắt về vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và chính sách tài chính...

Cả hai ông Obama và McCain đều cho rằng “kỷ nguyên năng lượng giá rẻ và dư thừa nguồn cung đã qua”. Cả hai đều kêu gọi đưa nước Mỹ thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.

Biện pháp “giành độc lập” với dầu mỏ

Ông Obama khẳng định, sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu lửa Trung Đông và Venezuela trong 10 năm; ông McCain nói, mục tiêu của ông là giúp nước Mỹ “giành độc lập” về năng lượng vào năm 2025.

Mục tiêu của cả hai ứng cử viên tổng thống nói trên tương đối giống nhau, nhưng biện pháp lại rất khác nhau. Về biện pháp ngắn hạn,  ông Obama tuyên bố, sẵn sàng mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược và cung cấp khoảng 70 triệu thùng dầu khẩn cấp để hạ nhiệt giá dầu.

Trong khi ông McCain phản đối ý tưởng này và cho rằng đây là thủ đoạn chính trị. Ông đề xuất việc tạm ngừng thu khoản thuế xăng dầu Liên bang 18 UScent/gallon. Tuy nhiên, đề xuất giảm thuế này bị dư luận Mỹ chỉ trích là thủ đoạn quảng cáo.

Ông Obama muốn các công ty dầu lửa phải bỏ tiền ra hỗ trợ người dân, trang trải các hoá đơn nhiên liệu sưởi ấm trong mùa đông và những khoản chi phí xăng dầu khá lớn. Ông kêu gọi đánh thuế lợi nhuận đặc biệt đối với 5 công ty dầu lửa lớn nhất và dùng số tiền thuế này để “trợ cấp giá năng lượng khẩn cấp” cho người dân với mức 1.000 USD/người.

Nhưng,  ông McCain đã lên án các loại thuế mới đánh vào ngành công nghiệp dầu lửa, vì cho rằng sẽ cản trở hoạt động đầu tư khai thác và sản xuất dầu trong nước. Sản xuất dầu khí trong nước là trọng tâm của chính sách năng lượng của ông McCain, cũng là của phe Cộng hoà tại Quốc hội Mỹ.

Ông McCain đã liên tục kêu gọi bãi bỏ lệnh cấm khoan dầu suốt 27 năm qua, tại thềm lục địa ngoài khơi Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và phía đông vịnh Mexico. Giới phân tích cho rằng, việc bãi bỏ lệnh cấm khoan dầu của ông McCain cho dù được thực hiện ngay đầu nhiệm kỳ tổng thống, năm 2009, cũng sẽ không thể đem lại dầu ngay trong vòng 5-7 năm. Tuy nhiên, một số sáng kiến năng lượng của ông Obama cũng cần thời gian thực hiện dài không kém.

“Bài toán khó” với tân Tổng thống

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ cũng bất đồng gay gắt về vấn đề năng lượng hạt nhân.  Ông McCain hứa rằng, chính phủ của ông sẽ hỗ trợ xây dựng 45 lò phản ứng năng lượng hạt nhân mới, theo lộ trình đến năm 2030. Ông Obama thừa nhận, nhu cầu cần thiết có các lò phản ứng hạt nhân phục vụ sản xuất năng lượng, nhưng vẫn hoài nghi việc phát triển loại  năng lượng này.

Ông McCain và ông Obama đã bất đồng  sâu sắc về vấn đề gai góc của ngành công nghiệp hạt nhân-đó là xử lý phế thải của các lò phản ứng hạt nhân.  Ông McCain ủng hộ giải pháp xây dựng bãi rác ở Yucca, bang Nevada để chứa hơn 100 nghìn tấn rác phóng xạ. Ông Obama coi quyết định này là một sai lầm.

Quyết định có nên xây dựng bãi rác nói trên phải được đưa ra ngay trong  đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, năm 2009. Các nhà phân tích cho rằng, năng lượng sẽ trở thành “bài toán nan giải” với tân Tổng thống Mỹ, bất kể là ông Obama hay ông McCain thắng cử. Vị tổng thống mới của Mỹ sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề cấp bách về năng lượng, vì lên cầm quyền vào tháng 1/2009, đúng thời điểm người dân phải thanh toán những khoản tiền khổng lồ cho năng lượng sưởi ấm  mùa đông.

Giới phân tích cho rằng, kinh tế Mỹ sa sút, giá xăng tăng gấp ba lần so với cách đây 8 năm, được coi là một thuận lợi lớn đối với ứng cử viên đảng Dân chủ Obama. Nhưng ông Obama vẫn khó thuyết phục cử tri tin rằng ông là người có thể cải thiện được nền kinh tế. Hiện còn hai nhóm cử tri  mà ông Obama chưa thuyết phục được hoàn toàn.

Nhóm thứ nhất gồm những người đã từng bỏ phiếu cho Tổng thống W.Bush, vì cho rằng ông Obama chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế. Nhóm thứ hai là những thành viên đảng Dân chủ, song chưa quyết định bỏ phiếu cho ông Obama, vì ông vẫn là "lính mới".

Kết quả thăm dò tổng hợp của các hãng: CNN/Opinion Research Corporation; AP-IPSOS; USA Today/Gallup và Gallup trong thời gian từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 cho thấy, sự ủng hộ của cử tri dành cho ông Obama thường cao hơn ông McCain trung bình 5% và vẫn có tới 9% cử tri chưa quyết định ủng hộ ai.