Náo loạn cùng thế giới, VN-Index giảm gần 15 điểm nhưng không có bán tháo
Khoảng nửa sau phiên sáng của thị trường châu Á, các loại tài sản nhảy múa náo loạn theo các hướng, khi Nga tiến hành hoạt động quân sự tại miền Đông Ukraine. Các chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ, châu Âu sập trên 2%, giá dầu có lúc nhảy tăng gần 4% lên suýt soát 100 USD/thùng, vàng lên trên 2% còn Bitcoin sập quá 7%... Trong bối cảnh hỗn loạn đó, VN-Index giảm gần 15 điểm, chưa tới 1% là khá bình yên...
Khoảng nửa sau phiên sáng của thị trường châu Á, các loại tài sản nhảy múa náo loạn theo các hướng, khi Nga tiến hành hoạt động quân sự tại miền Đông Ukraine. Các chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ, châu Âu sập trên 2%, giá dầu có lúc nhảy tăng gần 4% lên suýt soát 100 USD/thùng, vàng lên trên 2% còn Bitcoin sập quá 7%... Trong bối cảnh hỗn loạn đó, VN-Index giảm gần 15 điểm, chưa tới 1% là khá bình yên.
Sức ép từ các diễn biến mới trong căng thẳng Nga – Ukraine luôn thường trực, nhưng thị trường mấy hôm nay vẫn bình tĩnh. Đến khoảng 10h chỉ số VN-Index thậm chí còn tăng nhẹ qua tham chiếu.
Mọi thứ chỉ trở nên xấu đi khi thông tin Nga triển khai các hành động quân sự tại miền Đông Ukraine được phát đi. Dĩ nhiên chứng khoán thế giới nhạy hơn, phản ứng trước. Các chỉ số tương lai của Mỹ đồng loạt sụp đổ, giảm cực mạnh hơn 2%. Chứng khoán châu Á cũng lao dốc hơn 2% (Nhật) hoặc trên 3% (Hàn Quốc, Hồng Kông). Cùng với đó giá dầu tăng vọt.
Quan sát trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các chỉ số quan trọng như VN-Index và VN30-Index đồng loạt lao dốc từ sau 10h. Độ rộng của HoSE lúc hơn 10h vẫn còn 175 mã tăng/227 mã giảm. Tuy nhiên đến khoảng 10h30 đã là 351 mã giảm/83 mã tăng. Đến hết phiên sáng độ rộng chỉ còn 86 mã tăng/374 mã giảm.
VN-Index bốc hơi 14,66 điểm tương đương 0,97% so với tham chiếu. VN30-Index giảm 0,9%, chỉ còn 6 mã tăng/24 mã giảm, trong đó 19 mã giảm trên 1%. Dĩ nhiên nhóm dầu khí hưởng lợi nhất từ những diễn biến mới này: GAS tăng 2,91%, PLX tăng 3,52%, PVD tăng 4,18%, PVT tăng 2,62%, PVS tăng 4,52%, PVC tăng 9,55%, PGC tăng 2,24%, OIL tăng 4,59%, BSR tăng 2,52%...
Ngoài các trụ dầu khí, cũng phải kể tới số ít mã blue-chips ngược dòng được là MSN tăng 2,67%, VPB tăng 1,95%, BVH tăng 1,56%, PNJ tăng 0,18%.
Ảnh hưởng tâm lý từ căng thẳng Nga – Ukraine đang ảnh hưởng đến giao dịch, ít nhất là qua những bằng chứng về hiện tượng trượt giảm từ sau 10h sáng nay. Độ rộng thay đổi rất nhanh là tín hiệu rõ nhất về việc nhà đầu tư bán ra mạnh hơn khiến giá chịu sức ép. Ngoài ra, các yếu tố giảm ở trụ cũng rất đáng chú ý: VIC sụp đổ 2,18%, chính thức phá đáy ngắn hạn giữ được 2 tuần trước đó.
Nhóm ngân hàng cũng thi nhau lao dốc mạnh trừ EIB và VPB. Tới 19/27 cổ phiếu nhóm ngân hàng đang giảm trên 1%. Những blue-chips rơi sâu nhất là HDB giảm 3,2%, CTG giảm 2,58%, BID giảm 2,3%, TPB giảm 2,35%, ACB giảm 1,88%, TCB giảm 1,55%...
Mặc dù giá giảm rất sâu và độ rộng rất hẹp, nhưng tình trạng bán tháo tối đa vẫn chưa diễn ra. Thống kê trên sàn HoSE mới chỉ có 3 mã giảm sàn, 113 mã giảm trên 2%, 100 mã giảm trên 1%. Dù sự hoảng loạn chưa có, nhưng mức độ thiệt hại của nhà đầu tư là tương đối lớn vì số mã giảm trên 2% là rất nhiều.
Nhu cầu bán ra cũng đẩy thanh khoản sáng nay lên rất cao. Hai sàn niêm yết khớp 20.407 tỷ đồng, tăng 42% so với sáng hôm qua. Đây cũng là phiên sáng thanh khoản kỷ lục trong vòng 5 tuần.
Một điều khá tích cực là không phải tất cả các cổ phiếu thanh khoản cao sáng nay cũng là giảm giá. VPB dẫn đầu với 717,9 tỷ đồng giao dịch, giá tăng. Cổ phiếu dầu khí như PVS, PVD nằm trong Top 10 cũng tăng mạnh. Ngoài ra DXG, DPM thanh khoản cũng rất khá.
Khối ngoại sáng nay phản ứng khá hờ hững, tổng giá trị bán ra tại HoSE chỉ là 977,6 tỷ đồng, tương đương 5,4% tổng giá trị sàn này. Tỷ trọng giao dịch như vậy cũng là bình thường. Mức bán ròng khoảng 123 tỷ đồng, cũng không đặc biệt. HDB bị bán nhiều nhất với -118,6 tỷ đồng ròng, HPG -62,4 tỷ, VIC -21,6 tỷ, hai chứng chỉ quỹ FUEVFVND và E1VFVN30 cũng bị bán ròng trên 20 tỷ. Phía mua có KDC với 164,2 tỷ, DGC với 60,6 tỷ và GEX với 28,9 tỷ đồng.