07:41 17/12/2024

Nasdaq lập kỷ lục mới dù Dow Jones giảm 8 phiên liên tiếp, giá dầu đi xuống

Bình Minh

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn gồm Apple, Alphabet, Tesla và Broadcom đồng loạt chốt phiên ở mức cao kỷ lục...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (16/12) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi đà tăng của cổ phiếu công nghệ đưa Nasdaq lập kỷ lục mới nhưng Dow Jones ghi nhận phiên giảm thứ 8 liên tiếp trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu thô đi xuống sau khi Trung Quốc công bố những số liệu kinh tế ảm đạm.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,38%, chốt ở mức 6.074,08 điểm. Nasdaq tăng 1,24%, đạt 20.173,89 điểm. Dow Jones mất 110,58 điểm, tương đương giảm 0,25%, còn 43.717,48 điểm.

Chuỗi 8 phiên giảm của Dow Jones là chuỗi phiên mất điểm dài nhất của chỉ số blue-chip này kể từ năm 2018.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn gồm Apple, Alphabet, Tesla và Broadcom đồng loạt chốt phiên ở mức cao kỷ lục. Trong đó, đóng góp nhiều nhất vào phiên tăng này của Nasdaq là cổ phiếu Broadcom với mức tăng 11%. Tuần trước, hãng sản xuất con chip này thiết lập cột mốc vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD sau khi công bố kết quả kinh doanh khả quan hơn dự báo.

Trong số các nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, hai nhóm công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu cũng đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy.

Trong khi đó, cổ phiếu Nvidia - trung tâm của cơn sốt cổ phiếu AI ở Phố Wall trong 2 năm qua - trượt 1,7% và rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh, giảm hơn 10% từ mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 11.

“Chúng ta đang tiếp tục chứng kiến xu hướng tăng không đều của thị trường chứng khoán. Sự dịch chuyển sang các cổ phiếu giá trị đã yếu đi, ít nhất vào lúc này. Tâm lý ham thích rủi ro đang tăng lên vì quan điểm phổ biến bây giờ là khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, môi trường đầu tư sẽ trở nên thuận lợi hơn cho công nghệ và các dạng đầu tư mới”, Phó chủ tịch cấp cao Oliver Pursche của công ty Wealthspire Advisors nói với hãng tin Reuters.

Những biến động này trên thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh Fed chuẩn bị bước vào cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày khai mạc vào ngày thứ Ba. Lần họp này của Fed được thị trường dự báo sẽ đi đến quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Mối quan tâm lớn của nhà đầu tư là Fed và Chủ tịch Jerome Powell sẽ phát tín hiệu như thế nào về đường đi của lãi suất trong năm 2025 sau khi ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 9 năm nay.

“Mỗi quyết định lãi suất và họp báo của Fed đều có ý nghĩa quan trọng. Nhưng cuộc họp cuối cùng của năm 2024 có lẽ sẽ là lần họp được quan tâm nhiều nhất”, chiến lược gia trưởng Jay Woods của công ty Freedom Capital Markets nhận định với hãng tin CNBC.

“Kể từ sau đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 9, số liệu việc làm của Mỹ đã ổn định. Tuy nhiên, số liệu lạm phát lại đang nhích lên dù rất nhẹ. Trên thực tế, lạm phát đã tăng mỗi tháng kể từ khi Fed bắt đầu hạ lãi suất. Liệu đây là sự ‘dai dẳng’ của lạm phát hay là sự khởi đầu của một xu hướng mới?” ông Woods đặt câu hỏi.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,58 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, chốt ở mức 73,91 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,58 USD/thùng, tương đương giảm gần 0,8%, chốt ở mức 70,71 USD/thùng.

Hôm thứ Sáu, giá dầu Brent đóng cửa ở mức cao nhất kể từ hôm 22/11 và giá dầu WTI chốt phiên ở mức cao nhất kể từ hôm 7/11.

Giá dầu đã tăng hơn 6% trong tuần trước do kỳ vọng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thắt lại do các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hai nước sản xuất dầu lớn là Nga và Iran, trong khi xu hướng giảm của lãi suất ở Mỹ và châu Âu sẽ thúc đẩy nhu cầu.

“Có vẻ như các sự kiện của tuần trước đã được phản ánh hết vào giá dầu và tuần này sẽ không có những thông tin hay sự kiện đủ khả năng hỗ trợ giá dầu”, chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates nhận định với Reuters.

Phiên đầu tuần, giá dầu đương đầu với áp lực giảm từ các số liệu kinh tế Trung Quốc ảm đạm. Trong đó, doanh thu bán lẻ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới yếu hơn dự báo, tiếp tục gia tăng sức ép đòi hỏi Bắc Kinh tăng cường các biện pháp kích thích tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh chính quyền Trump 2.0 có thể áp thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa còn chốt lời trước thềm cuộc họp của Fed.

“Đang có một kịch bản rất bất lợi cho giá dầu, trong đó không có nhiều hy vọng về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô”, Giám đốc Bob Yawger của mảng năng lượng giao sau thuộc ngân hàng Mizuho ở New York nhận xét.

Triển vọng ảm đạm của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - là nguyên nhân quan trọng khiến OPEC+ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng trở lại cho tới tháng 4/2025. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

“Dù Trung Quốc có đang kích thích kinh tế như thế nào, người tiêu dùng cũng không cảm thấy bị thuyết phục. Nếu không có thay đổi lớn trong hành vi chi tiêu cá nhân ở Trung Quốc, triển vọng kinh tế của nước này sẽ còn mờ mịt”, chuyên gia John Evans của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil phát biểu.