Nasdaq tụt xuống đáy gần 2 năm rưỡi, giá dầu giảm vì nỗi lo suy thoái kinh tế
Ngoài ra, nhà đầu tư còn thận trọng khi chuẩn bị bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022, dự kiến bắt đầu vào ngày thứ Sáu tuần này bằng loạt báo cáo tài chính từ các ngân hàng lớn..
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (10/10), với chỉ số Nasdaq trượt xuống đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2020, do nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của lãi suất tăng và bán tháo cổ phiếu chip sau khi Mỹ công bố các biện pháp hạn chế nhằm vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Giá dầu thô cũng có một phiên giảm do nỗi lo suy thoái kinh tế.
Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard nói rằng chính sách tiền tệ của Mỹ đã bắt đầu được cảm nhận trong nền kinh tế có thể đang giảm tốc nhanh hơn dự kiến, nhưng hiệu ứng đầy đủ của việc Fed tăng lãi suất sẽ phải mất vài tháng nữa mới được thể hiện rõ ràng.
Mặc mối lo ngại của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà phân tích cho rằng các đợt tăng lãi suất mạnh tay liên tiếp của Fed có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans tiếp tục ủng hỗ nỗ lực chống lạm phát của ngân hàng trung ương, nói rằng dù nghe có vẻ lạc quan, ông tin rằng Fed có thể kéo được lạm phát xuống và “đồng thời tránh được” suy thoái kinh tế.
Các phát biểu trên được xem như tín hiệu cho thấy Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay, với khả năng cao một đợt tăng 0,75 điểm phần trăm nữa sẽ được tiến hành trong cuộc họp vào đầu tháng 11.
“Mọi người đang lo về nền kinh tế, lo về khả năng xảy ra suy thoái”, CEO Jake Dollarhide của công ty Longbow Asset Management nhận định.
Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor, một thước đo giá cổ phiếu chip, giảm 3,5% sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden vào hôm thứ Sáu tuần trước đưa ra một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bao gồm một biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc một số loại chip bán dẫn sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ.
Cổ phiếu Nvidia giảm 3,4%; Qualcomm, Micron và AMD cũng chốt phiên trong sắc đỏ.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn thận trọng khi chuẩn bị bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022, dự kiến bắt đầu vào ngày thứ Sáu tuần này bằng loạt báo cáo tài chính từ các ngân hàng lớn.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 93,91 điểm, tương đương giảm 0,32%, còn 29.202,88 điểm. Chỉ số S&p 500 giảm 0,75%, còn 3.612,39 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 1,04%, còn 10.542,1 điểm.
Kỳ vọng lợi nhuận ở Phố Wall đã giảm xuống trong những tuần gần đây. Giới phân tích hiện dự báo lợi nhuận quý 3 của các công ty trong S&P 500 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 11,1% đưa ra hồi đầu tháng 7 - theo dữ liệu từ Refinitiv.
Trong một cảnh báo bi quan, CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase ngày thứ Hai nói rằng nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023 và đó có khả năng sẽ không chỉ là một cuộc suy thoái nhẹ như nhiều chuyên gia dự báo.
Đến phiên này, Nasdaq đã giảm hơn 32% từ đầu năm, còn S&P 500 mất hơn 24% điểm số.
Chứng khoán thế giới cũng giảm điểm trong phiên đầu tuần, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp, với chỉ số MSCI All Country World Index mất 1%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 0,4%, trong khi nhóm các thị trường mới nổi giảm 1,4%.
Giá dầu thô tụt gần 2% sau 5 phiên tăng liên tiếp, khi nhà đầu tư lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra và kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,51 USD/thùng, đóng cửa ở mức 91,13 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 1,73 USD/thùng, còn 96,19 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu được hỗ trợ bởi động thái cắt giảm hạn ngạch sản lượng khai thác dầu 2 triệu thùng/ngày của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Tuy nhiên, lãi suất tăng lên, tỷ giá đồng USD tăng, cộng thêm triển vọng kinh tế u ám đang hạn chế đà tăng của giá dầu.