Nền chính trị phức tạp của Thái Lan qua những con số
Thái Lan đang chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự cách đây 5 năm
Thái Lan đang chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự cách đây 5 năm. Tình trạng chia rẽ chính trị nổi lên trước thềm bầu cử đang đe dọa tăng trưởng kinh tế Thái Lan và tỷ giá đồng Baht - đồng tiền tăng giá tăng mạnh nhất châu Á năm nay.
Theo hãng tin Bloomberg, từ năm 2001 đến nay, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và đồng minh của ông giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử ở Thái Lan, chỉ để rồi bị lật đổ bởi đảo chính hoặc phế truất bởi tòa án trong một cuộc đấu quyền lực kéo dài giữa phe Thaksin với quân đội và lực lượng thân hoàng gia. Ông Thaksin, 69 tuổi, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài sau khi bị tòa án Thái Lan kết tội tham nhũng - một bản án mà ông cho là có động cơ chính trị.
Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/3 của Thái Lan đã làm dấy lên mối lo rằng chu kỳ bất ổn sẽ trở lại nước này, đặt ra rủi ro đối với nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm hơn các nước láng giềng và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng giảm tốc toàn cầu cũng như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2019 về mức 3,8%, từ mức 3,9% đưa ra trong lần dự báo trước đó. Năm 2018, kinh tế nước này tăng trưởng 4,1%.
Dưới đây là một số con số về nền chính trị phức tạp của Thái Lan được Bloomberg điểm qua:
10: Là số vị vua thuộc vương triều Chakri của Thái Lan cho tới hiện nay. Tháng 2 vừa qua, vua Maha Vajiralongkorn đã bác bỏ việc chị gái của ông là công chúa Ubolratana ra tranh cử ghế Thủ tướng với tư cách ứng cử viên của một chính đảng thân với cựu Thủ tướng Thaksin. Sau đó, chính đảng này cũng bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan giải tán.
12: Là số vụ đảo chính thành công ở Thái Lan kể từ khi nước này trở thành một nước dân chủ lập hiến vào năm 1932. Chính quyền quân sự hiện nay ở Thái Lan là chính quyền quân sự cầm quyền lâu nhất trong lịch sử hiện đại của nước này.
20: Là số hiến pháp của Thái Lan kể từ khi nền quân chủ chuyên chế bị xóa bỏ ở nước này. Cuộc bầu cử sắp tới sẽ là lần tổng tuyển cử đầu tiên ở Thái Lan theo quy định của Hiến pháp mới nhất, được soạn thảo sau khi Thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha lên nắm quyền. Ông Chan-O-Cha cũng ra tranh cử Thủ tướng trong lần bầu cử này, với sự hậu thuẫn của quy định mới nhằm thành lập một Thượng viện thân với phe quân đội.
51 triệu: Là số cử tri đủ tiêu chuẩn đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần sắp tới ở Thái Lan, theo quy định là những người từ 18 tuổi trở lên. Số cử tri này tương đương 74% dân số Thái Lan.
40 triệu: Là số lượt du khách quốc tế dự kiến thăm Thái Lan trong năm nay. Nguồn thu ngoại tệ từ du lịch đã giúp đồng Baht của Thái Lan trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất châu Á năm nay so với USD.
11 triệu: Là số người làm việc trong ngành nông nghiệp Thái Lan. Cử tri nông thôn là một lực lượng quan trọng trong các cuộc bầu cử của nước này, và lần bầu cử tới cũng không phải là một ngoại lệ. Nhiều cử tri là nông dân Thái Lan được cho là vẫn ủng hộ ông Thaksin - người đã có những chương trình phúc lợi lớn dành cho nông dân.
376: Là số phiếu cần thiết trong Quốc hội gồm 750 ghế của Thái Lan để chọn ra một vị Thủ tướng mới. Trong số 750 thành viên Quốc hội Thái Lan, sẽ có 500 thành viên Hạ viện được bầu vào ngày 24/3, và 250 thành viên Thượng viện được chỉ định bởi chính quyền quân sự.
68: Là số ứng cử viên Thủ tướng chạy đua trong cuộc bầu cử này. Trong số họ, chỉ có 8 người là phụ nữ.
1: Là số nữ Thủ tướng của Thái Lan kể từ khi nước này trở thành nước quân chủ lập hiến vào năm 1932. Đó là bà Yingluck Shinawatra, 51 tuổi, em gái của ông Thaksin. Bà Yingluck bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2014 và đã trốn ra nước ngoài sau khi bị kết án tù trong một vụ xét xử mà bà cho là có động cơ chính trị.